Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tưng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải Bạc Liêu

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Là địa phương phát triển từ kinh tế biển lâu đời, nên cuộc sống tâm linh của ngư dân Gành Hào, Đông Hải, Bạc Liêu luôn gắn liền với tục thờ cá Ông của người Việt. Năm nay, Lễ hội Nghinh Ông nơi đây được tổ chức trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp.

Đoàn tàu ra biển Đông Hải Bạc Liêu nghinh Ông tại lễ hội ngày 18/4 (Hoàng Nam)
Đoàn tàu ra biển Đông Hải Bạc Liêu nghinh Ông tại lễ hội ngày 18/4 (Hoàng Nam)
Không khí nô nức của ngư dân Gành Hào, Đông Hải, Bạc Liêu ngày Lễ hội Nghinh Ông 18/4/2024 (Hoàng Nam)
Không khí nô nức của ngư dân Gành Hào, Đông Hải, Bạc Liêu ngày Lễ hội Nghinh Ông 18/4/2024 (Hoàng Nam)

Từ ngày 16 đến 18/42024 (nhằm mùng 9 - 10/3 âm lịch), UBND huyện Đông Hải long trọng tổ chức lễ hội Nghinh Ông lần thứ XXI tại Lăng Ông Nam Hải ở ấp 2, thị trấn Gành Hào, để tưởng nhớ tới công ơn của loài cá voi được ngư dân miền biển phong thần Nam Hải Đại tướng quân.

Giữ gìn bản sắc văn hoá Việt

Huyện Đông Hải Bạc Liêu là vùng đất được hình thành và phát triển cùng với quá trình mở đất của ông cha ta về phía Nam của đất nước. Tuy có bờ biển dài chỉ hơn 23 km với 02 cửa sông lớn thông ra biển là Gành Hào và Cái Cùng, nhưng tiềm năng thế mạnh nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản của Đông Hải lại rất lớn. Trong đó, phải kể đến đội tàu đánh bắt 430 chiếc đã đóng góp không nhỏ cho kinh tế biển của huyện này. Vì vậy, tục thờ Nam Hải Đại tướng quân ở nơi đây đã gắn liền với cuộc sống nghề biển của ngư dân Đông Hải hàng trăm năm qua.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng bên sản phẩm muối Đông Hải Bạc Liêu (Hoàng Nam)
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng bên sản phẩm muối Đông Hải Bạc Liêu (Hoàng Nam)

Bà Nguyễn Hồng Cẩm Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, cho biết: “Theo tín ngưỡng lâu đời, tục thờ Cá Ông - Lễ hội Nghinh Ông là một nét văn hóa đặc sắc, là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cư dân miền biển, cầu mong được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngư dân vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai khi hành nghề trên biển để đánh bắt được nhiều tôm, cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để ngư dân Đông Hải hướng về nguồn cội, bày tỏ lòng biết ơn đến các bậc tiền hiền đã có công đi mở đất và hướng đến nhiệm vụ quan trọng là phát huy truyền thống yêu nước gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”

Ngày hội rộn ràng nơi “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”

Lễ hội Nghinh Ông lần thứ XXI năm nay có sự tham gia của hàng ngàn người dân vùng biển Đông Hải và hàng chục ngàn du khách khắp nơi. Điểm nổi bật của lần này là được tổ chức có nhiều nét mới, nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật đặc sắc.

Tại lễ hội, tỉnh Bạc Liêu cũng đã tặng nhà cho hộ nghèo ở Đông Hải (Hoàng Nam)
Tại lễ hội, tỉnh Bạc Liêu cũng đã tặng nhà cho hộ nghèo ở Đông Hải (Hoàng Nam)

Tại lễ hội, người dân Gành Hào Đông Hải Bạc Liêu còn đưa ra thông điệp về chủ quyền quốc gia, về một vùng đất trù phú hiếu khách và chăm lo cho đời sống của người nghèo. Ban tổ chức đã trưng bày các sản phẩm OCOP và một số sản phẩm đặc sản của huyện. Giới thiệu trưng bày sách thư viện sách, dụng cụ nghề làm muối, mô hình cánh đồng muối; trưng bày ngư, lưới cụ, nghề vá lưới; trưng bày mô hình, hình ảnh tuyên truyền biển đảo, Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và trưng bày quảng bá hình ảnh du lịch của huyện.

Chuẩn bị ra khơi nghinh Ông. Lễ hội năm nay, công tác đảm bảo an toàn đã được các cơ quan chức năng chú trọng tổ chức chặt chẽ (Hoàng Nam)
Chuẩn bị ra khơi nghinh Ông. Lễ hội năm nay, công tác đảm bảo an toàn đã được các cơ quan chức năng chú trọng tổ chức chặt chẽ (Hoàng Nam)

Ngoài ra, còn tổ chức đoàn tàu ra biển nghinh Ông, kết hợp thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, trao 6 căn nhà tình thương cho người nghèo. Nhiều hoạt động du lịch đa dạng, phong phú khác, cũng được tổ chức. Qua đó gây ấn tượng tốt với du khách đến giao lưu, tham quan lễ hội, tạo sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc để thu hút du khách trong và ngoài huyện đến với quê biển Gành Hào - Đông Hải.

Múa lân sư rồng tại lễ hội (Hoàng Nam).
Múa lân sư rồng tại lễ hội (Hoàng Nam).

Ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, với lợi thế sản vật dồi dào từ biển, Đông Hải có nhiều loài thủy sản tươi sống để chế biến cho du khách thưởng thức nhiều món ẩm thực hấp dẫn như: Hào tái chanh, mực một nắng, cá dứa kho, lẩu đầu cá nấu chanh… Đến đây, du khách còn cảm nhận nét đẹp lãng mạn của quê hương trong từng ca từ bài hát nổi tiếng “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang.”

Phần hội thu hút đông đảo người dân tham gia (Hoàng Nam)
Phần hội thu hút đông đảo người dân tham gia (Hoàng Nam)

“Kinh tế biển và lễ hội Nghinh Ông là thế mạnh tạo nên điểm nhấn, để Đông Hải phát triển du lịch trong thời gian tới, qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đất nước con người và quê hương Đông Hải với tâm thế hiếu khách, thân thiện, chân thành chào đón quý khách, bạn bè và luôn sẳn sàng mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Đông Hải và đầu tư nhiều dự án tại Đông Hải” – ông Lý Vỹ Triều Dương chia sẻ.