Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia:

Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc Cà Mau

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã gần trăm năm nay, cứ đến dịp từ 14-16/2 âm lịch, ngư dân vùng sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đều tưng bừng tổ chức lễ hội Nghinh Ông, hoạt động này năm nay đã thu hút hàng nghìn khách thập phương khắp nơi về dự.

Tàu chính chở "Long đình" đón Nam Hải Đại tướng quân
Tàu chính chở "Long đình" đón Nam Hải Đại tướng quân

Di sản phi vật thể cấp quốc gia 

Sáng 6/3 (tức 15/2 âm lịch), tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau diễn ra Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc. Hàng nghìn khách thập phương và đông đảo người dân tham dự.

Đoàn tàu nghinh Ông trưa 6/3, hàng trăm năm nay lễ hội đã gắn liền với nghề biển và sự trù phú của đô thị Sông Đốc.

Theo đoàn tàu nghinh Ông hôm 6/03/2021 mới thấy, ngày hội Nghinh Ông không những mang đậm nét văn hóa đặc sắc của ngư dân vùng biển, mà còn là mong muốn an cư lạc nghiệp, quốc thái dân an của người dân miền sông nước Cà Mau. Ngay từ sớm, đã có hàng trăm tàu thuyền cỡ lớn đón đợi, cùng hộ tống 3 chiếc tàu lớn buộc chặc chở lư hương (long đình) ra khơi nghinh  đón Nam Hải Đại tướng quân.

Đoàn tàu ra biển “Nghinh Ông” gồm 3 chiếc được kết lại thành đoàn, trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu. Năm nay, để đảm bảo cho lễ hội Nghinh Ông diễn ra an toàn, nghiêm túc, từng đoàn tàu tham gia “Nghinh Ông” đều chạy ra biển theo hướng Hòn Chuối. Tàu chạy khi nào đến lằn ranh nước trong thì người chánh lễ làm thủ tục khấn vái, thắp hương và “xin keo”. Sau khi xin được keo, tàu quay về và đem những lọ nước biển trong lành về lăng Ông thờ cúng.

"Cung nữ" hộ tống Nam Hải Đại tướng quân
"Cung nữ" hộ tống Nam Hải Đại tướng quân

Khi các bô lão “xin keo thành công,” ngư dân hò reo vui mừng xem đó là điềm may mắn cho mùa biển mới. Trên những chiếc tàu hộ tống, ngư dân, du khách cùng ca hát vui mừng. Họ mời nhau những lon bia, nước ngọt dù các tàu khác chở du khách không hề quen biết. Ai cũng mừng vì xin được keo, đồng nghĩa việc ngư dân sẽ được “Nam Hải Đại tướng quân” phò hộ một mùa bội thu, no ấm.

Ông Lê Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau thông tin, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội tiêu biểu của tỉnh Cà Mau, là di sản mang đậm nét truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của cư dân vùng biển, là sản phẩm văn hóa đã được kết tinh gìn giữ qua nhiều thế hệ. Theo ông, Lễ hội này có từ năm 1925 bắt nguồn từ sự kiện ngư dân phát hiện xác một con cá voi (ngư dân hay gọi là cá ông) trôi dạt vào bờ.

Theo truyền thuyết xa xưa, loại cá này là cứu tinh cho các tàu, thuyền và ngư dân gặp nạn trên biển khơi, vì vậy, người dân rất tôn kính và biết ơn loài cá này, hay gọi là “ông”; và “cá ông”. Tại Sông Đốc, cá Ông được gọi người dân tôn kính gọi là Nam Hải Đại Tướng quân theo phong tặng của vua triều Nguyễn.

Hằng năm từ ngày 14 -16/2 âm lịch, người dân khắp nơi tụ hội về thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời để cúng, viếng và tham gia các hoạt động của lễ hội. Các hoạt động diễn ra long trọng, trang nghiêm, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với Nam Hải tướng quân.

Tín ngưỡng dân gian gắn liền nghề biển

Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết, trước ngày diễn ra lễ hội, địa phương đã thông báo rộng rãi cho các chủ phương tiện chuẩn bị đủ các điều kiện để đăng ký theo tàu chủ ra biển.

“Năm nay, công tác đảm bảo an toàn của lễ hội được Cà Mau đặt lên hàng đầu, khi kiểm soát chặt các phương tiện ra khơi theo đoàn nghinh ông. Tuy nhiên, quy mô của lễ hội vẫn không hề giảm” – ông Lê Hiếu Hùng cho biết thêm.

Long trọng nghiêm trang chuẩn bị xuống tàu ra khơi nghinh Ông.
Long trọng nghiêm trang chuẩn bị xuống tàu ra khơi nghinh Ông.

Theo ông Hùng, Lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc có nhiều nghi thức rất trang trọng, mang đậm nét văn hóa dân gian xưa, như: trước giờ ra biển nghinh ông buổi lễ chính tại chánh điện có đầy đủ các cung phi (đa số là phụ nữ cao tuổi), cung nữ (các thiếu nữ) 12 nữ học trò lễ, 2 nữ cung hầu, 1 vị tướng quân trong tư thế oai phong cùng hàng chục quân sỹ đứng hầu tay giương cao các ngọn cờ nước, những lá cờ phướng có ghi dòng  chữ “Nam Hải Đại Tướng quân” cùng hàng ngàn người chuẩn bị rước kiệu trong tiếng trống, tiếng kèn rộn ràng của đội nhạc lễ.

Nghi thức cúng tế thể hiện rõ ước nguyện cầu mong mưa thuận gió hòa, đánh bắt bội thu, cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà yên ấm. Ngoài nghi thức tế lễ, người dân địa phương còn tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể thao rất sôi nổi.

Gắn liền với trù phú của đô thị ven biển Cà Mau

Sông Đốc hay còn được gọi là sông Ông Đốc, nay là một thị trấn cảng biển, giao thương kinh tế biển sầm uất và góp phần không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh Cà Mau. Cách đây hơn 300 năm, Sông Đốc có tên trong sử sách là Đốc Huỳnh Cảng. Từ thế kỷ 18, nơi đây là nơi hợp tác mua bán giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và với các quốc gia trên thế giới. Làng nghề đánh bắt trên biển ở nơi đây đã hình thành đi cùng với lịch sử như vậy.

các bô lão ra khơi nghinh Ông.
các bô lão ra khơi nghinh Ông.

Nhắc đến thị trấn Sông Đốc, người ta không thể không nhắc đến lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc vì đây là một trong những lễ hội tiêu biểu ở Cà Mau và nổi tiếng ở Việt Nam. Đây cũng là một lễ hội dân gian và thu hút nhiều lượng khách lớn nhất của Cà Mau, được nằm trong danh sách 60 lễ hội tiêu biểu của Việt Nam. Hằng năm, cứ vào ngày 14 đến 16 tháng 2 (âm lịch), người dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cùng nhau tổ chức lễ hội Nghinh Ông trang trọng, đậm nét tín ngưỡng dân gian đặc sắc của những người ngư dân miền biển.

Ông  Phạm Văn Khoa, trú khóm 3 thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, Hương lễ của Ban Trị sự lăng Ông cho hay, ngư dân rất coi trọng lễ hội Nghinh Ông. Cá Ông được xem là vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã giúp những người ngư dân vượt qua những cơn sóng biển dữ dội, những cơn bão tối mịt mù đêm tối. Để báo đáp, hàng năm, người ngư dân tổ chức lễ hội nghinh Ông linh đình nhằm cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái, dân an, tôm cá đầy khoang. 98 năm nay, dù chiến tranh hay giặc giã, bà con ngư dân đều tổ chức lễ hội long trọng linh đình.

Lễ hội gắn liền với trù phú của đô thị nghề biển Sông Đốc, Trần Văn Thời, Cà Mau.
Lễ hội gắn liền với trù phú của đô thị nghề biển Sông Đốc, Trần Văn Thời, Cà Mau.

Anh Trần Tuấn Anh (thuyền trưởng tàu cá đi Nghinh Ông) chia sẻ: “Năm nay, lễ hội Nghinh Ông diễn ra trang trọng, cầu cho mưa thuận gió hoà, ngư dân ra khơi may mắn, đánh bắt cá tôm được an hoà. Lễ hội thu hút du khách các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… tham dự rất đông.”

“Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia, là một điểm nhấn để Cà Mau thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch đặc của tỉnh, trong đó đã thể hiện rõ nét đặc trưng của làng nghề  biển của địa phương” - ông Lê Hiếu Hùng nhấn mạnh.