Luật gia Đào Hiến Chương - Chủ tịch Hội Luật gia thị xã Sơn Tây:
Tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời
Tôi đánh giá cao các cơ quan tố tụng của TP Hà Nội đã thực hiện tốt các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, sớm đưa vụ án ra xét xử. HĐXX đã điều hành phiên tòa hợp lý, sáng tạo, Viện KSND TP Hà Nội đã có sự điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bị cáo.
Vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm để lại nhiều bài học cho chúng ta, nhất là trong công tác dân vận. Ảnh: TTXVN |
Đồng thời, các bị cáo cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận sai phạm. Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên án với các nội dung cụ thể, vừa đảm bảo tính nghiêm khắc của pháp luật, vừa đảm bảo tính răn đe, giáo dục sâu sắc nhưng cũng thể hiện chính sách khoan hồng, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.
Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam quận Hà Đông Bùi Thị Thu Trang:
Mức hình phạt phù hợp, đủ tính răn đe
Vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm để lại nhiều bài học cho chúng ta, nhất là trong công tác dân vận. Xót xa nhất là ngay giữa thời bình, những chiến sĩ cảnh sát Nhân dân lại hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này, hầu hết các bị cáo đều nhận ra sai phạm, ăn năn hối hận, thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Do sự thiếu hiểu biết pháp luật nên các bị cáo đã bị lôi kéo vào cái gọi là "Tổ đồng thuận".
Việc HĐXX đưa ra các mức hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án này là phù hợp, đủ tính răn đe nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta. Từ vụ án này, chúng ta cũng cần nhận diện rõ những tồn tại trong công tác quản lý đất đai, những vấn đề khúc mắc của lòng dân, nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ có thể “bùng phát”, gây ra hậu quả đáng tiếc.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội:
Bài học cho những người coi thường pháp luật
Vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng rất manh động, có tính chất côn đồ, nguy hiểm, phạm tội có tổ chức. Các đối tượng thực hiện hành vi đã tổ chức, bàn bạc kế hoạch chặt chẽ; chuẩn bị nhiều vũ khí phương tiện phạm tội có tính sát thương cao; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền lôi kéo kích động quần chúng Nhân dân; dùng vũ lực cản trở lực lượng công an thực hiện công vụ.
Các bị cáo lần lượt được lực lượng công an đưa ra khỏi phiên tòa sau khi tuyên án chiều 14/9. Ảnh: Thái San |
Mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo đã được Tòa xem xét, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Hình phạt với từng bị cáo đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật cũng như để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, tạo điều kiện cho các bị cáo cải tạo, giáo dục để trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Vụ án sẽ là bài học cho những ai coi thường pháp luật, ảo tưởng vào sức mạnh của mạng xã hội, cố tình rủ rê, lôi kéo, kích động người khác thực hiện hành vi phạm tội.
Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Mỹ Đức Phan Thị Thùy Linh:
Thể hiện tinh thần nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước
Trong vụ án này, Lê Đình Doanh là trường hợp khá đặc biệt. Doanh là kẻ đã tiếp tay cho Lê Đình Chức trong việc giết hại 3 cán bộ công an. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, hành vi của Lê Đình Doanh là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả là sự hy sinh của 3 cán bộ công an, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Bản thân Lê Đình Doanh đã có 3 tiền án về các tội khác nhau như cướp giật, tàng trữ ma túy…
Tuy nhiên, gia đình Lê Đình Doanh có ông nội là Lê Đình Kình đã chết, bố đẻ là Lê Đình Công bị tuyên án tử hình, chú là Lê Đình Chức cũng bị tuyên án tử hình, em trai cũng là bị cáo trong vụ án. Do vậy, xuất phát từ tinh thần nhân đạo, khoan hồng của pháp luật, muốn cho bị cáo một cơ hội sống, bên cạnh đó, bị cáo Doanh sau khi bị bắt cũng đã thành khẩn khai báo, nhận tội và cầu xin sự khoan hồng của pháp luật, Viện Kiểm sát đã đề nghị và HĐXX tuyên án Lê Đình Doanh mức phạt tù chung thân. Sẽ có rất nhiều ý kiến liên quan đến mức án này nhưng theo tôi, đây là một đề nghị nhân văn.