Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên chiến với nhũng nhiễu, phiền hà

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ vẫn xảy ra nhiều nơi, nhiều bộ ngành, địa phương với các mức độ khác nhau.

Dù có thể chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng tình trạng đó cần chấm dứt sớm. Đó là quan điểm được nhấn mạnh khi Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng “về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc” được quán triệt tới toàn thể các địa phương.
Có thể nói rằng, trong thời gian qua, việc khắc phục tình trạng nhũng nhiều, gây phiền hà cho người dân, DN của đội ngũ thực thi công vụ đã được T.Ư, các bộ, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm. Những đổi mới đáng kể trong cải cách hành chính, xử lý nghiêm những vi phạm bị phát hiện đã phần nào bớt đi tình trạng tham nhũng vặt, “bôi trơn”, “cơ chế mềm”…Nhưng thực tế, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Nhiều vụ việc gần đây khiến dư luận bức xúc đều liên quan đến những nhiễu, tiêu cực và tham nhũng vặt.
Từ tham nhũng vặt trong cấp chứng tử, chứng sinh, cảnh sát giao thông nhận tiền đến những vụ việc nghiêm trọng hơn như dọa dẫm, đòi hối lộ trong hoạt động thanh tra chuyên ngành mà điển hình nhất là vụ việc cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ khi thanh tra ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Rồi tình trạng cán bộ, công chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để sách nhiễu, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định… để nhận “lót tay”.
Có ý kiến cho rằng, nếu ví tham nhũng vặt tinh vi và như "ổ mối ăn mòn chân đê", thì ổ mối tuy nhỏ nhưng có thể phá hủy cả con đê lớn... Bởi thế, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và DN, tham nhũng vặt không chỉ gây bức xúc đối với người dân, DN, mà còn có thể làm tổn hại niềm tin của xã hội đối với người cán bộ, công chức. Tình trạng đó cần sớm chấm dứt.
Thể hiện quyết tâm loại bỏ những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.
Đặc biệt, Chỉ thị số 10 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc đã chỉ rõ thực trạng và các giải pháp cần thực thi. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu được nhấn mạnh.
Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với người dân, DN; triển khai ghi hình, có bộ phận theo dõi, giám sát nơi tiếp dân, DN; lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của người dân đối với cán bộ… cũng phải được thực thi nghiêm túc.
Tuy nhiên, đúng như nhiều ý kiến đã chỉ rõ, điều quan trọng là cần quyết tâm thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị 10. Đồng thời, cải cách hành chính thực chất hơn nữa, đơn giản hóa thủ tục hành chính và xóa bỏ hoàn toàn được cơ chế xin - cho. Bởi chừng nào còn cơ chế xin - cho còn có dư địa cho tham nhũng vặt.
Chính sự công khai, minh bạch, có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, đặc biệt ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, mới ngăn chặn được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.