Sau khi trực tiếp đi thử trên tàu kỹ thuật suốt toàn tuyến, Bộ trưởng Bộ GTVT nhận xét, việc chạy thử tàu rất thuận lợi, tiếng ồn thấp và có hệ thống giảm tiếng ồn hai bên. Về tiến độ thi công, Bộ trưởng cho rằng, dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng tiến độ vẫn chậm. “Thời gian từ nay tới cuối năm không còn nhiều, tôi đã yêu cầu các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ, có giải pháp giải quyết các vướng mắc để đạt bằng được mục tiêu tiến độ đề ra” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho nhà thầu, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các bên ngồi lại với nhau, phần nào đã xong thì nghiệm thu để thanh toán trước. Với các hạng mục, thiết bị đã lắp đặt nhưng chưa có điện để chạy thử và nghiệm thu thì thực hiện thủ tục tạm ứng trước 70 - 80% giá trị khối lượng cho các nhà thầu.Về vướng mắc trong đấu nối nguồn điện cho dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hệ thống kỹ thuật đấu nối điện đã hoàn thành nhưng vẫn vướng một số quy định, tiêu chuẩn trong quy định của Việt Nam và thiết kế kỹ thuật của dự án. Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực và tổng thầu EPC để giải quyết các vướng mắc, sớm đấu nối nguồn điện để vận hành hệ thống kỹ thuật, sớm nghiệm thu các hạ tầng liên quan tới điện.Trước đó, ông Đường Hồng - Giám đốc Ban điều hành dự án (thuộc Tổng thầu EPC - Trung Quốc) cho biết, hiện dự án cơ bản hoàn thành, một số trang thiết bị hoàn thiện đã được đưa về công trường đợi lắp đặt. Tuy nhiên, dự án vẫn vướng trong việc giải ngân vốn cho các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công đấu nối điện, vận hành nghiệm thu thiết bị. Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dự kiến trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.