Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Vẫn chưa thông suốt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (15/7) là ngày cuối cùng tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2016 - 2017 tại Hà Nội.

Không phủ nhận, với điểm mới là năm đầu tiên áp dụng phương thức tuyển sinh trực tuyến đã giảm bớt phiền hà cho phụ huynh khi làm thủ tục. Song như nhiều người nhận xét, tuyển sinh trực tuyến chưa phát huy hết hiệu quả.

Duy trì “4 rõ”

Tuyển sinh các lớp mầm non, tiểu học, THCS đã diễn ra từ 1 – 15/7 theo đúng quy định của Sở GD&ĐT. Sau 15/7, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu được tuyển bổ sung từ 18 - 20/7. Năm nay, Hà Nội tiếp tục duy trì thực hiện “4 rõ” (rõ chỉ tiêu, thời gian, phương thức, tuyến tuyển sinh) trong tuyển sinh đầu cấp – điểm được coi là thế mạnh giúp “giảm nhiệt” nơi phụ huynh cũng như nhà trường. Phải thừa nhận, việc công khai kế hoạch tuyển sinh với yêu cầu “4 rõ” đã giúp phụ huynh tiết kiệm được thời gian, không còn cảnh xếp hàng từ tờ mờ sáng hay chen lấn, xô đẩy nơi cổng trường để mua hồ sơ đăng ký cho con. Bản thân các nhà trường cũng tuần tự và bình tĩnh thực hiện các thủ tục xét tuyển.
Phụ huynh khai, nộp hồ sơ cho con tại trường THCS Đống Đa. Ảnh: Thu Anh
Phụ huynh khai, nộp hồ sơ cho con tại trường THCS Đống Đa. Ảnh: Thu Anh
Hơn thế, với mục tiêu bảo đảm chỗ học chất lượng cho mọi học sinh trong điều kiện quy mô học sinh ngày càng tăng, Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp. Điển hình là việc phân tuyến tuyển sinh hợp lý, để “điều hòa” tình trạng trường thì “quá tải”, trường lại quá ít học sinh. Theo dõi bảng phân tuyến tuyển sinh của các đơn vị những năm qua cho thấy, tuyến tuyển sinh của mỗi trường được xác định chi tiết, rõ ràng và công khai. Tùy theo điều kiện đáp ứng của các trường và số lượng học sinh trong độ tuổi từng năm, các quận, huyện điều chỉnh tuyến tuyển sinh phù hợp, có thể theo phường, tổ dân phố hay khu dân cư.

Còn những băn khoăn

Đây là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng tuyển sinh trực tuyến nhằm hỗ trợ phụ huynh trong việc khai, nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, hạn chế tình trạng xếp hàng khi làm thủ tục nhập học cho con. Ghi nhận tại các trường cho thấy, sau 12 ngày thực hiện tuyển sinh trực tuyến ở 3 bậc học, các thủ tục đăng ký xét tuyển khá trơn tru, dễ hiểu, chỉ có duy nhất ngày đầu xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Dẫu vậy, vẫn còn tình trạng dữ liệu hệ thống nhầm ngày, tháng, năm sinh của học sinh; địa chỉ nơi cư trú của học sinh ghi chung chung, thiếu cụ thể...

Bên cạnh đó, nhìn từ phía phụ huynh, chị Nguyễn Hồng Thu, nhà ở phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm) có con vào lớp 1 cho biết, tuyển sinh trực tuyến không khác gì phương thức cũ là nộp hồ sơ trực tiếp tại trường, thậm chí còn có phần rườm rà. “Khi nhập dữ liệu cho con, mã dữ liệu không đúng, lại quay về trường mầm non nhận mã. Sau khi đăng ký thành công lại tiếp tục đem hồ sơ đến trường đối chiếu, vậy là phải đi lại 2 – 3 lần mới xong thủ tục” – chị Hồng Thu chia sẻ. Đồng quan điểm này, lãnh đạo một trường tiểu học ở quận Đống Đa cho rằng, tuyển sinh trực tuyến hướng tới quản lý học sinh trên hệ thống điện tử là chủ trương đúng. “Tuy nhiên, khi thực hiện, hạ tầng cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ; không phải phụ huynh nào cũng có máy tính, sử dụng thông thạo internet; chưa có tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh; nhập dữ liệu còn sai, khiến phụ huynh vẫn phải đi lại lấy mã, nộp hồ sơ... thủ tục vẫn rườm rà” – vị này nhấn mạnh. Còn tại trường Tiểu học Lê Lợi, Hiệu trưởng Phạm Thị Tâm cho biết, chỉ 1/3 phụ huynh đăng ký trực tuyến vì 2 lý do: Phụ huynh sống gần trường và không thông thạo sử dụng internet. Thế nên hầu hết phụ huynh trực tiếp nộp hồ sơ tại trường.

Tuyển sinh đầu cấp bằng phương thức trực tuyến là một trong những nhiệm vụ cụ thể hóa việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, giảm phiền hà thủ tục hành chính cho người dân. Song để hiệu quả, như nhiều người nói, trước hết cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt; đồng bộ hóa hệ thống máy móc; hướng dẫn phụ huynh cụ thể...