Năm 2017, Ban chỉ đạo các cấp, các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động đã tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện công tác tuyên truyền. Từ đó tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng. DN đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành; tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Báo cáo của BCĐ cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội cho thấy, một số đơn vị trong quá trình triển khai, thực hiện cuộc vận động vẫn mang nặng tính hình thức, mang tính kỳ cuộc. Hiệu quả công tác tuyên truyền về cuộc vận động đến các DN chưa cao nên DN chưa nhận thấy hiệu quả mang lại khi tham gia các chương trình của cuộc vận động.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nêu rõ, trong năm qua, TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tập trung cải cách thủ tục hành chính giúp DN đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất; đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp, thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, khuyến khích khởi nghiệp góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp DN Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đề nghị: Trong thời gian tới, các sở, ngành, cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm tới người dân; khảo sát ý kiến của người tiêu dùng, qua đó giúp DN xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị thành viên chủ động đổi mới cách tuyên truyền, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo chiều sâu; kết hợp Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích” với các sự kiện của Ban chỉ đạo nhằm đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền; đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Tập trung đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của TP. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể, lâu dài, đổi mới cả về thời lượng, nội dung, hình thức theo hướng trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề; tập trung tuyên truyền sâu hơn tới giới trẻ, nông dân... Phối hợp với Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình bán hàng bình ổn giá, phiên chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, đưa hàng về nông thôn, qua đó hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt, tạo sự gắn kết giữa DN và người dân.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đề nghị, các DN trong quá trình sản xuất cần nghiên cứu đổi mới theo hướng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, giá cả ở từng địa phương. Các sở, ngành, đặc biệt là Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kinh doanh các mặt hàng bình ổn giá bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu về chất lượng, giá cả, mẫu mã.
Triển khai quy chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu; Chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của làng nghề; Chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Tháng Khuyến mại Hà Nội; Các hội, hiệp hội cần phát huy thế mạnh trong việc liên kết hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hội nhập.