Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình trạng không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh, nhất là thiếu thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), thuốc biệt dược, vật tư tiêu hao xảy ra ở nhiều bệnh viện.

Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân đang phải đối mặt tự loay hoay tìm mua kim tiêm, dao mổ, găng tay diệt khuẩn, thuốc truyền hay thuốc kháng sinh. Những người này cho biết, họ thấp thỏm vì phải đợi thuốc từng ngày khi đang chiến đấu giành giật sự sống. Thế nên, nhiều người phải tự tìm thuốc để cứu chữa cho chính mình và gia đình.

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Trần Anh
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Trần Anh

Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo các BV, chuyên gia y tế cho rằng cần có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp để giải quyết tình trạng cấp bách hiện nay. Nhiều lãnh đạo BV đề xuất, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính trong quy trình đấu thầu thuốc tập trung. Đồng thời, phải quy định rõ thời gian giải quyết cho từng khâu.

Theo đó, từ khi lập kế hoạch, nhu cầu sử dụng thuốc của các đơn vị, tổng hợp nhu cầu và trình các cơ quan chức năng xem xét, thẩm tra, thẩm định, ban hành kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đến công bố kết quả đấu thầu. Trường hợp chậm ở khâu nào thì xử lý, kỷ luật cán bộ phụ trách ở công đoạn ấy. Có như vậy, mới có thể giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh, để giải quyết, có thể tính đến phương án đấu thầu tập trung, quy về một mối để hạn chế rủi ro cho các BV. Cụ thể, trưởng phòng, khoa của BV sẽ đề xuất số lượng thuốc, vật tư dự trù cần lên hội đồng chuyên môn xem xét, rà soát lại, đánh giá và gửi báo cáo số lượng lên Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Sở chủ trì công tác đấu thầu, mỗi lãnh đạo BV sẽ tham gia vào ban kiểm duyệt để thực hiện đấu thầu. Việc này có thể được thực hiện mỗi 3 tháng, 6 tháng hoặc theo quý. Như vậy, các bệnh viện sẽ có được giá tốt nhất, đồng bộ, quản lý được lượng thuốc tồn kho.

Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho hay, để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp có chỉ đạo tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Đồng thời, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành; BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an Nhân dân phối hợp sở y tế, các cơ sở KCB BHYT tổ chức triển khai thực hiện ngay một số nội dung khắc phục nhanh chóng tình trạng này để người bệnh không phải mua. Tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng của người tham gia BHYT.

Theo ông Phúc, tại Nghị định 146 hướng dẫn Luật BHYT cũng nói rõ trách nhiệm của cơ sở KCB là phải cung ứng đầy đủ, thuốc, vật tư và hóa chất để phục vụ người bệnh. Nhưng cơ sở KCB lại phụ thuộc vào kết quả đấu thầu tập trung của sở y tế và của Bộ Y tế. Vì vậy, bản thân cơ sở KCB cũng không chủ động được thuốc, vật tư và khi hết thầu chưa có kết quả của đấu thầu mới thì rơi vào tình trạng thiếu thuốc điều trị.

Với việc người bệnh có BHYT phải tự bỏ tiền mua thuốc bên ngoài liệu có được quỹ BHYT hoàn trả, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, hiện nay không có quy định về thanh toán trực tiếp với người bệnh, BV vẫn phải bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân.

“Tuy nhiên, người bệnh đi mua thuốc, vật tư bên ngoài có thể giữ hóa đơn lại, chắc chắn cơ sở y tế sẽ có hướng xử lý bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân, không để người bệnh BHYT phải tự bỏ tiền túi mua thuốc trong danh mục BHYT chi trả như hiện nay” - ông Phúc lưu ý.