Việc tỷ giá tăng đang khiến nhiều DN đứng ngồi không yên và là biến số cần quan tâm với thị trường tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm.
Vào cuối phiên giao dịch 16/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 37 đồng, ở mức: 23.918 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ ở mức 23.400 đồng - 25.063 đồng.
Có nhiều yếu tố gây áp lực lên tỷ giá thời gian qua. Đó là chỉ số USD index đo sức mạnh của đồng USD vọt lên trên 103 điểm từ đầu tháng 8, tăng so với mốc dưới 100 điểm trong suốt 7 tháng.
Các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá so với USD trong 2 tuần gần đây. So với đầu năm, đa phần các đồng tiền trong khu vực cũng mất giá so với USD với mức dao động từ 3 - 5%. Do đó, VND cũng chịu sức ép giảm giá một phần từ yếu tố này.
Thực tế, Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong 7 tháng; mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD. Điều này cho thấy, yếu tố cung cầu USD không hẳn là nguyên nhân khiến tỷ giá gia tăng so với đầu năm.
Nguyên nhân thứ 2 khiến tỷ giá đi lên là thông tin Fed sẽ tăng lãi suất đã hỗ trợ đồng USD tăng giá. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang giảm lãi suất rất mạnh và đến giờ này thì đồng nhân dân tệ đã bị mất giá đến hơn 7% so với USD, mức mất giá rất mạnh.
Hơn nữa, tỷ giá có tính mùa vụ khiến tỷ giá căng thẳng vào quý cuối năm và Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu dùng tăng, DN cần vốn để xuất, nhập khẩu hàng hóa, kéo cầu tỷ giá tăng.
Một nguyên nhân quan trọng nhất là xuất phát từ nội tại chính sách trong nước. Theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ đảo chiều nhanh với các đợt giảm lãi suất điều hành dồn dập từ Ngân hàng Nhà nước là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp. Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao.
Dù nhiều áp lực, tuy nhiên, dự báo đến cuối năm tỷ giá sẽ không có quá nhiều biến động khi cán cân thương mại của Việt Nam cũng được cải thiện nhiều; thị trường chứng khoán vẫn đang phục hồi so với năm ngoái.
Tất nhiên, diễn biến gần đây của tỷ giá VND/USD cũng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Mỹ có động thái hạ lãi suất vào năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ cần thời gian phát huy tác dụng. Việc nới lỏng quá mạnh mẽ có thể làm dòng tiền trở nên dễ dãi và bắt đầu tìm kiếm các kênh đầu tư mang tính đầu cơ trong nền kinh tế. Hệ quả là lạm phát và bong bóng tài sản có thể quay trở lại cũng như gây áp lực lên tỷ giá khi dòng vốn đảo chiều.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn cần phải điều tiết dòng vốn vào nền kinh tế cho phù hợp theo hướng hỗ trợ cho khu vực sản xuất là ưu tiên hàng đầu. Việc hỗ trợ vốn cho thị trường bất động sản là cần thiết để giải quyết các vấn đề trước mắt của thị trường này, tuy nhiên, về lâu dài phải hạn chế dòng vốn đầu cơ bất động sản, bảo đảm sự chuyển dịch cơ cấu dòng vốn sang nền kinh tế thật.