Tỷ lệ học sinh Việt Nam chưa có kỹ năng đọc rất thấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/1, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 2 lần đánh giá kỹ năng đọc đầu cấp của học sinh (HS) tiểu học (EGRA) năm 2013-2014.

Theo đó, việc tổ chức khảo sát được thực hiện ở học sinh các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp giữa 1 khảo sát viên và 1 học sinh tiểu học được lựa chọn ngẫu nhiên. Mỗi HS sẽ cần khoảng từ 10-15 phút để thực hiện bài đánh giá EGRA. So với kết quả của các nước khác trên thế giới cũng sử dụng công cụ đánh giá này, HS Việt Nam có tỉ lệ phải “dừng sớm” (đồng nghĩa với việc chưa có kĩ năng đọc) rất thấp.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn; Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn; Internet.
So sánh kết quả đọc của HS ở các lớp 1, 2, 3 cho thấy, nhìn chung HS có tiến bộ đều về tất cả các kỹ năng đọc nhưng mức độ tiến bộ ít nhiều không đều ở các kỹ năng khác nhau. Kết quả cụ thể, kỹ năng phần “Đọc từ quen thuộc” và “Đọc thành tiếng” của HS cao hơn so với chuẩn kiến thức, kĩ năng của Bộ GD&ĐT đã đề ra cho mỗi lớp.

Cụ thể, lớp 1 vào năm 2013 kết quả của học sinh trung bình 53,9 tiếng/phút; năm 2014 là 55,2 tiếng/phút. Trong khi chuẩn hiện hành: 30 tiếng/phút. Kết quả ở lớp 2 năm 2014 là 89,5 tiếng/phút trong khi chuẩn hiện hành 50 tiếng/phút; Lớp 3 (2013: trung bình 95,5 tiếng/phút trong khi chuẩn hiện hành là 70 tiếng/phút.

Tuy nhiên, kết quả các phần “Đọc hiểu”, “Nghe hiểu” và “Nghe - viết” (Chính tả) vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt thấp đối với HS lớp 1.

Cuối năm học 2012-2013, đánh giá được thực hiện trên 1.200 HS lớp 1 và lớp 3 của 40 trường thuộc 4 tỉnh: Điện Biên, Nghệ An, Gia Lai, Vĩnh Long. Năm học 2013-2014, là 2.160 HS lớp 1 và lớp 2 của 72 trường thuộc 4 tỉnh trên và thêm 2 tỉnh: Lào Cai, Quảng Trị.     

Hai kỳ khảo sát được tiến hành với số lượng HS không lớn nhưng nhờ thực hiện nguyên tắc chọn mẫu đáng tin cậy được các chuyên gia quốc tế công nhận, kết quả thu được bước đầu cho thấy thực trạng kỹ năng đọc của HS các lớp 1, 2, 3 và một số nhân tố chi phối sự phát triển các kỹ năng đọc ban đầu của HS đầu cấp tiểu học Việt Nam.
Từ năm 2006 đến nay, EGRA đã được thử nghiệm và triển khai tại hơn 60 quốc gia với hơn 80 ngôn ngữ trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng học tập nói chung, kĩ năng đọc của học sinh đầu cấp nói riêng ở các nước triển khai EGRA là rất khả quan.

Bộ công cụ khảo sát được thiết kế gồm 3 phần: Bộ công cụ EGRA (để đánh giá các kỹ năng đọc ban đầu của học sinh); bảng hỏi học sinh (dùng để phỏng vấn học sinh nhằm thu thập các thông tin về cá nhân và gia đình); bảng hỏi giáo viên (dành cho giáo viên dạy các khối lớp có học sinh tham gia khảo sát tự trả lời nhằm thu thập các thông tin liên quan đến giáo viên và nhà trường).

Công cụ EGRA của các lớp 2, 3 đều gồm các phần: Xác định âm đầu của tiếng; đọc các âm của chữ; đọc thành tiếng và đọc hiểu văn bản; nghe hiểu văn bản; nghe - viết (chính tả). Bộ công cụ EGRA cho lớp 1 cũng có các phần tương tự, trừ phần đọc tên chữ cái.

EGRA được cho là cách đánh giá mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.