Ukraine thúc giục các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc khai trừ Nga

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh Nga đang làm mất uy tín và phá hủy toàn bộ hệ thống của Liên Hiệp Quốc.

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 26/12 đã thúc giục các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc "trục xuất" Liên bang Nga khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuyên bố được đăng trên website của cơ quan này.

Tuyên bố nêu rõ: “Vấn đề về số phận của Nga tại Liên Hiệp Quốc nên được giải quyết trong bối cảnh chung về trách nhiệm của nước này đối với những vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như tội ác gây ra trên lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, và tội ác diệt chủng.”

Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh hành động của Nga làm mất uy tín và phá hủy toàn bộ hệ thống của Liên Hiệp Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian. “Ukraine kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phục hồi áp dụng Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong các vấn đề liên quan đến tính hợp pháp của việc Liên bang Nga ở Liên Hiệp Quốc, tước bỏ tư cách thành viên thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an và loại nước này khỏi Liên Hiệp Quốc nói chung.”

"Theo nguyên tắc bình đẳng của Liên Hiệp Quốc thì Liên bang Nga nên tuân theo con đường pháp lý quốc tế để kết nạp tư cách thành viên của Tổ chức như các quốc gia khác đã làm. Việc Liên bang Nga được quay lại Liên Hiệp Quốc trong tương lai chỉ có thể được xem xét nếu Nga tuân thủ tất cả các tiêu chí," tuyên bố nhấn mạnh.

Một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại trụ sở ở thành phố New York. Ảnh: AFP  
Một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại trụ sở ở thành phố New York. Ảnh: AFP  

Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố rằng phía Nga đã chiếm chỗ thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong việc "bỏ qua Hiến chương của tổ chức". Ngoài ra, Kiev cáo buộc Moscow sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an.

Do đó, Ukraine khởi xướng một quá trình phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu của tuyên bố này và họ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác để cùng bảo vệ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế khỏi ảnh hưởng của Liên bang Nga.

Ngoài ra, Ukraine coi quyền của Nga là thành viên của Liên Hiệp Quốc nói chung là đáng nghi ngờ, vì nước này không đáp ứng tiêu chí chính để trở thành thành viên của Tổ chức.

"Khoản 1 Điều 4 của Hiến chương nêu rõ tư cách thành viên của Liên Hiệp Quốc dành cho tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình. Hành động của Liên bang Nga trái với khái niệm về một quốc gia 'yêu chuộng hòa bình'. Sự hiện diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc lại đánh dấu bằng các cuộc chiến tranh và chiếm đoạt lãnh thổ các quốc gia khác, cố gắng thỏa mãn tham vọng xâm lược và đế quốc mới của mình" - theo tuyên bố.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2021, đã có những lời kêu gọi loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, việc nước này tham gia Hội đồng Bảo an với tư cách là thành viên thường trực được quy định tại Điều 23 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Do đó, để loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an, cần phải sửa đổi tài liệu cơ bản của Liên Hiệp Quốc, việc thông qua cần có chữ ký của tất cả các thành viên thường trực. Nga có quyền phủ quyết một đề xuất như vậy.

Kể từ năm 1991, Nga đã 31 lần phủ quyết Hội đồng Bảo an, gần gấp đôi so với bất kỳ thành viên thường trực nào khác của Hội đồng này.

Trước đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 7/4 đã thông qua quyết định đình chỉ tư cách ủy viên Hội đồng Nhân quyền của Nga, liên quan đến việc Ukraine cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho thực trạng ở thị trấn Bucha (gần Kiev).

Trong phát biểu trước 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 5/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi hành động ngay lập tức và trừng phạt Nga về những gì xảy ra ở Bucha.

Tổng thống Ukraine phát biểu trực tuyến tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 5/4. Ảnh: Reuters  
Tổng thống Ukraine phát biểu trực tuyến tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 5/4. Ảnh: Reuters  

Nhà lãnh đạo Zelensky nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm đối với vụ sát hại dân thường tại thành phố Bucha và đòi một cuộc điều tra minh bạch, toàn diện. Theo chính quyền Ukraine, khoảng 300 cư dân tại Bucha đã thiệt mạng trong khoảng thời gian quân Nga kiểm soát kéo dài 1 tháng.

Trong lần bỏ phiếu do Mỹ thúc đẩy này, có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống, và 58 nước bỏ phiếu trắng, theo Reuters.

Lên tiếng sau kết quả bỏ phiếu, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga "sẽ bảo vệ những lợi ích của mình" - theo TASS. Moscow tuyên bố cáo buộc về Bucha do Ukraine và truyền thông phương Tây dàn dựng nhằm làm hoen ố hình ảnh Nga.

"Chúng tôi vẫn nhấn mạnh rằng bất kỳ cáo buộc nào chống lại phía Nga, chống lại quân đội Nga là vô căn cứ", Hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin.

Đến ngày 14/11, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết buộc Nga phải bồi thường những tổn thất đã gây ra cho Ukraine trong cuộc xung đột. Nghị quyết do Ukraine, Canada, Hà Lan và Guatemala đề xuất. Trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng gồm 193 thành viên, 94 quốc gia ủng hộ, 73 quốc gia bỏ phiếu trắng, và 14 nước bỏ phiếu chống.

Bảng hiển thị kết quả cuộc bỏ phiếu nghị quyết công nhận Nga phải bồi thường thiệt hại cho Ukraine tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ngày 14/11. Ảnh: Reuters  
Bảng hiển thị kết quả cuộc bỏ phiếu nghị quyết công nhận Nga phải bồi thường thiệt hại cho Ukraine tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ngày 14/11. Ảnh: Reuters  

Đài RT trích dẫn nghị quyết nêu rõ: "Một cơ chế quốc tế nhằm bồi thường thiệt hại, mất mát hoặc thương tích phát sinh từ các hành động của Nga ở Ukraine cần phải được thiết lập".

Mặc dù không mang tính ràng buộc thực thi, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng có sức nặng chính trị, theo đài RT.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia đã lên tiếng về nghị quyết, gọi đây là một tài liệu không quan trọng về mặt pháp lý. Ông Nebenzia cảnh báo: "Các tác giả của nghị quyết không nhận ra rằng việc thông qua một nghị quyết như vậy sẽ kéo theo những hậu quả có thể tác động ngược lại họ".

Nhà ngoại giao Nga cho rằng việc thông qua nghị quyết có thể là "boomerang" đáp trả những người khởi xướng. Theo ông Nebenzia, quyết định như vậy sẽ chỉ gia tăng bất ổn và căng thẳng trên thế giới.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo xung đột ở Ukraine là một trong những thách thức lớn nhất đối với trật tự quốc tế bởi "bản chất, cường độ và hậu quả" của cuộc xung đột này.

Theo ông Guterres, cuộc xung đột ở Ukraine thậm chí còn gây áp lực hơn cho các nước đang phát triển, với hơn 1,2 tỉ người đặc biệt bị tổn thương do giá lương thực, năng lượng và phân bón tăng cao. Ông kêu gọi chấm dứt xung đột và các bên cần tiến hành đàm phán nghiêm túc vì hòa bình và dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.