UNEP: Thế giới cần quản lý và bảo vệ các loài cá nước ngọt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những thay đổi môi trường nhanh chóng đang thách thức sự tồn tại của các đàn cá trong tương lai, mặc dù ngành công nghiệp nuôi thả và đánh bắt cá toàn cầu đã phát triển bền vững trong suốt 40 năm qua.

KTĐT - Những thay đổi môi trường nhanh chóng đang thách thức sự tồn tại của các đàn cá trong tương lai, mặc dù ngành công nghiệp nuôi thả và đánh bắt cá toàn cầu đã phát triển bền vững trong suốt 40 năm qua.

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố một bản báo cáo mới, trong đó cho biết nhiều khu vực và quốc gia thường không quan tâm bảo vệ và quản lý tốt nghề nuôi thả và đánh bắt cá nội địa.

Trong khi đó, các loài cá nước ngọt đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái và là các nguồn thực phẩm cũng như kế sinh nhai của hàng triệu người trên thế giới.

Báo cáo khẳng định: những thay đổi môi trường nhanh chóng đang thách thức sự tồn tại của các đàn cá trong tương lai, mặc dù ngành công nghiệp nuôi thả và đánh bắt cá toàn cầu đã phát triển bền vững trong suốt 40 năm qua. Những thay đổi về các trận lũ lụt theo mùa, hoạt động sản xuất nông nghiệp bừa bãi và việc sử dụng thái quá nguồn nước ở các sông, hồ, chính là những hiểm hoạ đối với các đàn cá nội địa.

Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, xây dựng đường sá, gây ô nhiễm khi để cả nước thải chảy vào các khu vực nuôi thả cá trong nội địa cũng là những mối đe dọa khác đối với loài cá nước ngọt.

Báo cáo cũng cho rằng ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng, các loài cá còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng cân bằng hệ sinh thái cũng như môi trường ở các thành phố.

Các chất dinh dưỡng và chất hữu cơ từ trứng cá, thân cá và chất bài tiết hỗ trợ việc tạo ra các loại tảo, ấu trùng và các loài cá khác ở các sông, hồ giúp kết nối với các hệ sinh thái. Số lượng cá giảm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loại sinh vật khác.

Chẳng hạn, gần đây loại cá hồi ở hồ Mendota của Mỹ bị chết hàng loạt dẫn đến những thay đổi về thành phần của các loại phù du của hồ, giảm mức độ các chất dinh dưỡng trong nước và giảm nguồn năng lượng mới của các loại tảo.

Ông Achim Steiner, Giám đốc Điều hành UNEP, nói: “Báo cáo nhấn mạnh chủ đề về các loại cá nội địa. Trong khi các loại cá biển ngày càng được chú trọng, thì loài cá nước ngọt ở các hệ thống sông, hồ lại ít khi được cộng đồng quốc tế quan tâm-một sự lãng quên có ảnh hưởng rất sâu sắc."

Chỉ riêng ở châu Phi, gần 100 triệu người được cung cấp chất đạm, các chất sinh tố và chất vô cơ hàng ngày là nhờ các loài cá nội địa. Mỗi năm số lượng cá nước ngọt được đánh bắt trên toàn cầu đạt gần 30 triệu tấn và tạo công ăn việc làm cho hơn 60 triệu người, ông Achim Steiner nói.

Báo cáo đề nghị các chính phủ thông qua “mục tiêu hệ sinh thái” để quản lý các loài cá nội địa. Mục tiêu đó cần được cụ thể hóa bằng một loạt giải pháp như giảm bớt ô nhiễm và các hoạt động phá hủy đàn cá, duy trì nguồn nước sông, khôi phục môi trường sinh thái đã bị tàn phá và bảo vệ các khu vực đầm lầy cũng như các khu vực nuôi thả cá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần