Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị bệnh suy tim

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên, tế bào tim có nguồn gốc từ tế bào gốc phôi người được cấy vào tim.

Đó là ca cấy ghép do giáo sư Philippe Menasche và các cộng sự ở khoa Phẫu thuật Tim mạch thuộc BV châu Âu Georges Pompidou-AP-HP thực hiện thành công ngày 21/10/2014. Đây là liệu pháp hứa hẹn mang lại bước đột phá mới trong điều trị suy tim.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  

Vài nét về ca cấy ghép trị bệnh suy tim

Theo Quỹ Nghiên cứu tim mạch Pháp (FCVR) ngày 21/10/2014, giáo sư Philippe Menasche và nhóm cộng sự tại khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV châu Âu Georges Pompidou-AP-HP đã thực hiện thành công ca cấy ghép tế bào tim có nguồn gốc từ tế bào gốc phôi người.

Đây là ca cấy ghép cho bệnh nhân nữ 68 tuổi bị suy tim nặng, kết hợp phẫu thuật bắc cầu tim. Mười tuần sau cuộc phẫu thuật, bệnh nhân có sức khỏe khá hơn nhiều và không có biến chứng xảy ra. Tiến bộ này đã được trình bày tại Hội nghị thường niên lần thứ 25 của Hiệp hội Tim mạch châu Âu.

Ca cấy ghép là một phần của thử nghiệm lâm sàng được hỗ trợ bởi Hệ thống bệnh viện công ở khu vực Paris và các tổ chức, trường Đại học Paris-Descartes và Paris-Diderot của Pháp. Vật liệu tế bào tim được chuẩn bị bằng một kỹ thuật được hoàn thiện bởi DBCT và các cơ quan chịu trách nhiệm nghiên cứu ở khu vực Paris.

Trong 20 năm trở lại đây, GS Menasche, hiện là đồng giám đốc của FCVR đã cùng với các cộng sự nghiên cứu cách sử dụng liệu pháp tế bào để điều trị suy tim. Đầu tiên, nhóm làm thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nơi các tế bào gốc của cơ xương được cấy ghép vào các vùng tim bị hoại tử.

Trước đó, ngày 15/6/2000, lần đầu tiên trên thế giới, những tế bào gốc được tiêm vào tim của một bệnh nhân trải qua phẫu thuật bắc cầu. Sau một số quy trình tương tự, tất cả đều được thực hiện song song với quy trình bắc cầu tim, nhóm đã tổ chức một thử nghiệm đa trung tâm, ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược ở châu Âu.

Thử nghiệm nói trên để tạo ra quy trình hiệu quả hơn, các tế bào được cấy ghép càng giống với tế bào trong mô được điều trị, trong trường hợp này là cơ tim càng tốt. Tại thời điểm nói trên, quyết định được đưa ra là thử nghiệm tế bào gốc phôi. Những tế bào này được lấy từ phôi IVF đa năng, nói cách khác, chúng có thể tạo ra bất kỳ loại tế bào nào tạo nên cơ thể con người, bao gồm cả tế bào tim. Đặc biệt, chúng phải được nuôi trồng trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhận được các tín hiệu vật lý và hóa học phù hợp trong thời gian thử nghiệm.

Những điều cần biết khi ứng dụng tế bào gốc có thể điều trị bệnh tim

Bệnh tim gây tổn thương mô tim, trong khi đó tim lại khó tự sửa chữa tổn thương này. Vì vậy, giải pháp sử dụng tế bào gốc để sửa chữa tổn thương bệnh tim hy vọng sẽ giúp tim phục hồi chức năng vốn có. Tuy mới ở giai đoạn bình minh nhưng nó đầy triển vọng, đặc biệt là sử dụng tế bào gốc trung mô, một loại tế bào gốc trưởng thành. Tế bào gốc có thể đưa vào cơ thể bằng một số phương pháp khác nhau như tiêm thẳng vào tim, đưa vào động mạch vành, truyền tĩnh mạch (IV)…

Liệu pháp tế bào gốc cho bệnh tim hiện chưa được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) chấp thuận. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu liệu pháp tế bào gốc cho bệnh tim trong các thử nghiệm lâm sàng. Các liệu pháp dựa trên tế bào gốc duy nhất hiện được FDA chấp thuận là liệu pháp sử dụng cấy ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị các tình trạng ảnh hưởng đến máu, như bệnh bạch cầu và đa u tủy.

Theo một nghiên cứu năm 2020 trên chuột cho thấy, liệu pháp tế bào gốc có thể giúp sửa chữa tổn thương do đau tim. Trong nghiên cứu, những con chuột được điều trị bằng tế bào gốc của người sau đau tim cho thấy cơn đau tim đã làm thay đổi mức độ của 450 loại protein khác nhau trong tim. Tuy nhiên, liệu pháp tế bào gốc đã đảo ngược hoàn toàn hoặc một phần những thay đổi này ở 65% protein.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy liệu pháp tế bào gốc có thể làm giảm các biến cố lớn về tim ở những người bị suy tim. Nghiên cứu bao gồm 537 người bị suy tim. Trong số những người này, 261 người được tiêm tế bào gốc vào tim và 276 người trải qua một thủ thuật giả dược.

Sau 30 tháng, so với nhóm đối chứng, những người nhận được tế bào gốc đã giảm 65% cơn đau tim và đột quỵ không gây tử vong. Tuy nhiên, không có sự giảm số lần nhập viện do suy tim ở nhóm sử dụng tế bào gốc. Một phát hiện quan trọng khác là điều trị bằng tế bào gốc đã giảm 80% số ca tử vong do tim ở những người bị suy tim độ 2.

Khoa học đang cố gắng đánh giá sự an toàn của liệu pháp tế bào gốc đối với bệnh tim. Một số lo ngại về an toàn tiềm ẩn về điều trị này bao gồm: Các tế bào gốc có thể phát triển thành các loại tế bào cơ tim khác nhau, phản ứng khác nhau với các tín hiệu điện kích hoạt nhịp tim. Nhiều loại tế bào khác nhau trong một khu vực có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị hoặc gây rối loạn nhịp tim.

Một số loại tế bào gốc có khả năng hình thành một loại khối u gọi là u quái. Hệ thống miễn dịch của một người có thể từ chối các tế bào gốc. Vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm chứng tính hiệu quả và an toàn của liệu pháp tế bào gốc trong điều trị bệnh suy tim trước khi được sử dụng trên quy mô rộng hơn.