Ứng xử cũ, bế tắc cũ

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau mấy năm tương đối yên ả, khu vực Đông Bắc Á lại sôi động và ồn ào về chính trị an ninh khi căng thẳng và đối địch gia tăng giữa Triều Tiên ở một phe và phía bên kia có Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên lại dồn dập phóng tên lửa và ba nước kia lại tiến hành tập trận chung ở khu vực.

Mối bất hoà giữa hai bên dai dẳng đã từ nhiều thập kỷ nay. Nó có nguồn gốc từ tình trạng chiến tranh vẫn tồn tại trên danh nghĩa pháp lý giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và từ chính sách cùng hành động của Mỹ và đồng minh đối với Triều Tiên mà Triều Tiên coi là mối đe dọa  an ninh lớn nhất.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nắm tay trên đỉnh núi Paekdu tại Triều Tiên hồi tháng 9/2018. Ảnh: Reuters. 
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nắm tay trên đỉnh núi Paekdu tại Triều Tiên hồi tháng 9/2018. Ảnh: Reuters. 

Điều khiến Mỹ và đồng minh quan ngại sâu sắc nhất là chương trình hạt nhân của Triều Tiên, vì thế mục tiêu hàng đầu của họ trong chính sách đối với Triều Tiên và quan hệ của họ với Triều Tiên là phi hạt nhân hoá Triều Tiên. Chính sách "Cái gậy và củ cà rốt" (thời tổng thống Mỹ Bill Clinton và George W. Bush), hay "kiên nhẫn chiến lược (thời tổng thống Mỹ Barack Obama) hoặc "Ngoại giao quan hệ cá nhân" (thời tổng thống Mỹ Donald Trump) đều nhằm mục đích này.

Tổng thống Mỹ hiện tại Joe Biden không như ông Trump mà pha trộn quan điểm chính sách của ông Clinton, Bush và ông Obama về Triều Tiên ở thời gian đầu nhiệm kỳ cầm quyền, nhưng hiện tại thiên về tăng cường liên minh và liên thủ với Hàn Quốc và Nhật Bản để cùng đối phó Triều Tiên, thể hiện thái độ găng hơn với Triều Tiên.

Từ đó có thể thấy mọi giải pháp chính trị hoà bình lâu bền cho mối bất hoà này đều phải bao hàm việc hai phe tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh, ký kết hoà ước, phi hạt nhân hoá Triều Tiên, Mỹ dỡ bỏ tất cả các biện pháp bao vây, cấm vận và trừng phạt Triều Tiên, bình thường hoá quan hệ giữa Triều Tiên với ba nước kia. Ai cũng biết như thế và thực chất ở đây là chuyện thoả hiệp, chuyện cho và nhận, chuyện trả giá. Nhưng vấn đề ở chỗ ai chịu đi bước trước, ai nhượng bộ trước khi lòng tin lẫn nhau hiện chưa có chứ chưa nói đến có đủ mức hay không. Cốt lõi của bế tắc giải pháp chính trị hoà bình cho mối bất hoà này xưa nay chính ở chỗ đó.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp. Ảnh: KCNA

Trong tình trạng bế tắc ấy, cách ứng xử của hai phía đều là dùng hành động trên thực tế và phát ngôn để răn đe và cảnh báo lẫn nhau, để khẩu chiến quyết liệt với nhau và ăn miếng trả miếng lẫn nhau. Triều Tiên dùng phóng tên lửa và thử hạt nhân. Phe kia dùng tập trận chung trên đất liền và trên biển, dùng tăng cường liên minh quân sự và triển khai vũ khí hiện đại ở Hàn Quốc và Nhật Bản, dùng thống nhất quan điểm, phối hợp hành động với nhau và áp lực quốc tế.

Phía Triều Tiên không thể không cảm nhận là không thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa trong khi vẫn cứ bị phía bên kia trừng phạt và cấm vận thì chỉ bất lợi và thua thiệt.

Từ đầu năm nay, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa các loại. Riêng trong thời gian hai tuần vừa qua, Triều Tiên đã 6 lần phóng tên lửa, trong đó có cả tên lửa tầm trung và theo quỹ đạo bay qua Nhật Bản khiến nước này lần đầu tiên phải phát lệnh báo động sơ tán dân chúng. Những động thái dồn dập này của phía Triều Tiên khiến cho bên ngoài dự đoán rằng rồi đây nước này sẽ lại tiếp tục thử hạt nhân. Ở phe bên kia, Mỹ cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành tập trận chung với quy mô lớn lần đầu tiên sau 5 năm. Cả hai phía sử dụng cách ứng ứng xử cũ.

Nhưng bối cảnh tình hình chung hiện tại đã khác trước. Mỹ quá bận rộn với đối phó Nga ở Ukraine và đối phó Trung Quốc cũng như hậu thuẫn Đài Loan ở vùng Đông Bắc Á, cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Triều Tiên ủng hộ Nga trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraine. Triều Tiên phóng tên lửa và thậm chí có thể thử hạt nhân nữa vào lúc này sẽ khiến Mỹ thêm khó khăn và khó xử, buộc Mỹ phải dành ưu tiên chính sách cầm quyền cao hơn cho việc xử lý quan hệ với Triều Tiên.

Những động thái nói trên của Triều Tiên vì thế có lợi cho Trung Quốc và Nga trong quan hệ của họ với Trung Quốc. Việc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản dùng lại cách ứng xử cũ với Triều Tiên cho thấy bộ ba này vẫn bế tắc ý tưởng đối sách thích hợp hơn và hiệu quả hơn đối với Triều Tiên.

Bế tắc giải pháp chính trị hoà bình giữa hai bên tuy cũ nhưng ở trong bối cảnh tình hình đã thay đổi như hiện tại thì tác động, hậu quả và hệ luỵ lại có thể tai hại hơn trước rất nhiều đối với tất cả các bên liên quan. Nó đẩy tất cả các bên này đến ranh giới rủi ro lớn là diễn biến tình hình có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và kiềm chế của một hay nhiều bên nào đó hoặc của tất cả các bên.