Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng việc các đại gia công nghệ mong muốn biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất là đáng mừng. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần thêm cơ chế để thu hút.
Các đại gia smartphone tập trung về Việt Nam / Nokia chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
Sự xuất hiện cũng như mở rộng hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam trong 2 năm trở lại đây cho thấy sự chuyển dịch quan trọng của làn sóng đầu tư. Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - Nguyễn Văn Toàn vừa có những chia sẻ với PV về xu hướng này.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nắm bắt thời cơ.
|
- Microsoft mới đây thông báo sẽ mở rộng quy mô nhà máy sản xuất điện thoại Nokia tại Bắc Ninh. Trước đó Samsung, LG, Intel… cũng cho biết sẽ tăng cường bỏ vốn. Ông nhìn nhận thế nào về làn sóng đầu tư của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới này?
- Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không phải chuyện mới, song việc các doanh nghiệp công nghệ, với những dự án tính bằng tỷ USD xuất hiện cho thấy nhiều thay đổi. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư trong nước đang tốt lên và Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích, nhất là khi nhiều doanh nghiệp quốc tế đang dần rút khỏi Trung Quốc vì những bất ổn vĩ mô và giá nhân công cao.
Thời cơ này cũng đến đúng lúc Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ định hướng thu hút đầu tư, chú trọng hơn về chất, ưu tiên các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn và sạch. Tiếp theo là doanh nghiệp đến từ các vùng, lãnh thổ có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam để chuyển giao công nghệ.
Sự tập trung của những tập đoàn đa quốc gia lớn có thể tạo ra sức lan tỏa mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị xuất khẩu và nâng cao chất lượng nhân lực.
Tạo ra một thung lũng Silicon mới là mơ ước của nhiều người làm công nghệ, đầu tư và Việt Nam đang có thời cơ lớn để biến điều đó thành hiện thực. Tôi được biết Samsung đang xin đất để làm một trung tâm nghiên cứu ở phía Bắc. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi việc họ đặt trung tâm nghiên cứu là minh chứng rõ ràng cho việc biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu. Những công nghệ, mẫu mã mới nhất sẽ xuất phát từ đây.
- Tuy vậy, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển đang khiến Việt Nam khó chen chân vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Ông nghĩ sao về việc này?
- Công nghiệp hỗ trợ là vấn đề được các nhà quản lý trăn trở hàng chục năm nay nhưng đến nay chưa đem lại nhiều kết quả. Với Samsung, hiện nay trong chuỗi cung ứng phụ kiện có tới 80 đơn vị của nước ngoài, còn doanh nghiệp Việt Nam lại rất ít.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp công nghệ cập bến ngày càng nhiều, tôi tin rằng ngành phụ trợ của Việt Nam sẽ khởi sắc. Đầu tháng 9 tới, VAFIE sẽ cùng các nhà đầu tư, cơ quan quản lý tổ chức một hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp trong nước để tìm kiếm đối tác phụ trợ. Chỉ cần một tập đoàn lớn chọn được 10-15 doanh nghiệp Việt Nam cũng là điều đáng mừng.
Một doanh nghiệp từng nói với tôi chỉ cần tham gia được 1% vào chuỗi giá trị của những hãng như Samsung cũng là thành công lớn. Việc gặp gỡ trực tiếp cũng gợi mở cho họ cách tiếp cận mới, giúp doanh nghiệp trong nước hiểu cần phải làm gì cho phù hợp.
- Để trở thành đối tác của các tập đoàn đa quốc gia, theo ông doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì và sẽ cần những hỗ trợ như thế nào?
- Trước hết doanh nghiệp Việt Nam phải tự nỗ lực, đầu tư mạnh về công nghệ, chất xám và nguồn nhân lực. Ban đầu, họ có thể phải nhập công nghệ từ nước ngoài, bởi chúng ta chưa thể sáng tạo ngay vào lúc này. Rõ ràng công nghệ là bài toán lâu dài với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên có những ưu đãi, thậm chí vượt trội cho các lĩnh vực phụ trợ như ưu đãi về thuế, cho thuê đất, vay vốn để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ nguồn cũng cần phải ưu tiên tối đa, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc nếu họ cam kết hỗ trợ, hợp tác lâu dài với doanh nghiệp trong nước.
Cơ chế quản lý cũng cần chặt chẽ hơn để tạo sự minh bạch trong môi trường đầu tư. Nếu quản lý không tốt, có thể những doanh nghiệp ưu đãi sẽ không được lợi bằng những đơn vị không có ưu đãi gì, bởi họ biết lách luật sẽ có lợi thế hơn.
- Với những chính sách khuyến khích đầu tư mới, ông dự báo thế nào về làn sóng doanh nghiệp công nghệ cao sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới?
- Cách đây nhiều năm, giới chuyên gia đã dự báo về làn sóng dịch chuyển đầu tư mới vào Việt Nam và đây là thời cơ lớn nhất, cả về kinh tế lẫn chính trị. Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phải tìm động lực phát triển mới cho nền kinh tế, trong đó công nghệ chính là nền tảng.
Đồng thời, phát triển ngành công nghệ cao, "chơi" với nhiều bạn bè quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, EU... cũng là chìa khóa để Việt Nam thoát lệ thuộc, tiến đến bình đẳng hơn trong phát triển sản xuất. Tôi tin tưởng Việt Nam có thể thành công ở làn sóng chuyển dịch này.