Đây là một lễ hội diều độc đáo có một không hai của Thủ đô, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước cũng như gửi gắm biết bao ước vọng của người nông dân thuần phác.
Lễ hội độc đáo nghìn năm
Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, người dân xã Hồng Hà mới lại vui mừng mở hội lớn, đón khách gần xa. Không khí lễ hội rộn ràng khắp đường làng, bờ đê, cho tới khu vực miếu Châu Trần - nơi diễn ra hội thi thả diều Bá Dương Nội. Người dân chuyện trò, bình phẩm rôm rả về các tác phẩm dự thi hội diều năm nay.
Dọc tuyến đường nhựa khang trang từ xóm Cổng Tây đến Nhà văn hóa cụm 4, xã Hồng Hà, hơn 50 cánh diều đủ kích cỡ, màu sắc được trang trí cùng những dải cờ Tổ quốc, cờ đuôi nheo, cờ hội rất bắt mắt. Đây là những hình ảnh ấn tượng trong “Con đường diều sáo” do xã Hồng Hà tổ chức để làm điểm nhấn thu hút du khách.
Một triển lãm diều sáo, tranh, ảnh, thơ ca, các tác phẩm nghệ thuật có nội dung về diều sáo cũng được sắp đặt ngay tại miếu Châu Trần, làm phong phú thêm không gian văn hóa diều sáo độc đáo.
Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, căn cứ các tư liệu lịch sử, làng Bá Dương Nội xưa kia thuộc thôn Nội, xã Bá Dương, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây. Nằm bên hữu ngạn sông Hồng, đây là vùng đất cổ được hình thành khá sớm. Căn cứ vào các di chỉ và cấu tạo địa tầng do Viện Khảo cổ Việt Nam nghiên cứu, vùng đất này thuộc giai đoạn Phùng Nguyên, cách đây khoảng 3.500 - 4.000 năm.
Tương truyền rằng, vùng dân cư làng Bá Dương Nội xưa kia là một vùng bãi phù sa, cây cối rậm rạp, có nhiều gò, đống nằm bên dòng Nhị Hà. Cư dân Việt cổ đã cần cù ngày đêm khai phá biến vùng gò, đống rậm rạp thành một vùng bãi phù sa màu mỡ. Hằng ngày, Nhân dân trong làng ra bãi sản xuất, trẻ em thì cắt cỏ chăn trâu.
Khi đàn trâu ung dung gặm cỏ, bọn trẻ rủ nhau bơi lội, bắt cá hoặc tổ chức kéo co, chơi ô ăn quan, lúc thì nằm trên thảm cỏ ngắm nhìn đàn chim bay lượn trên bầu trời, đặc biệt là chim diều hâu lúc liệng sang phải, lúc lại sang trái. Từ cảm ngộ đó, bọn trẻ nghĩ ngay ra trò chơi mới. Chúng tìm tre vót nhẵn uốn thành hình con chim đang bay, ở giữa đôi cánh dùng thanh tre buộc chặt, sau đó dùng giấy dán vào khung tre, rồi dùng dây níu thăng bằng thân chim.
Khi có gió thì tung con chim giấy ấy lên bầu trời. Lạ thay, dây dài ra bao nhiêu thì chim giấy lại bay cao lên bấy nhiêu. Những cánh chim giấy ấy chính là sự phôi thai của cánh diều ngày nay.
Rồi một hôm, bọn trẻ bàn với nhau thả diều xong tất cả đều phải kéo về cái gò cao giữa bãi có cây cổ thụ lớn tỏa bóng mát để quan sát và chấm xem diều của ai vừa đẹp, vừa bay cao. Một ngôi miếu nhỏ bằng những chiếc que được chúng dựng lên để cầu mong cho diều thuận gió. Từ hôm dựng miếu, lũ trẻ mang gạo sang bãi nấu cơm chung.
Trước khi ăn, chúng đều mang cơm vào miếu thắp hương khấn thần linh. Khi người lớn biết chuyện, ngăn cản, trời đã không nổi gió, diều thả không bay lên được…
Dân làng cho rằng tâm nguyện của lũ trẻ đã cảm động đến thần linh, thổ địa nên quyết định dựng ngôi miếu trên nền miếu nhỏ. Ngày khánh thành miếu, dân làng mở hội thả diều, tế lễ, đánh trống cầu phong, cầu thổ thần trên bãi sông che chở, phù hộ.
Dân làng cũng quyết định lấy ngày Rằm tháng Ba âm lịch hằng năm là ngày lễ chính thờ thần linh Châu Thổ (còn gọi là miếu Châu Trần). Ngôi miếu này cũng trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của người dân địa phương, hiện còn lưu giữ được 4 đạo sắc phong qua các triều đại: Tự Đức (1879); Đồng Khánh (1888); Duy Tân (1910); Khải Định (1925).
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, việc tổ chức Lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội năm 2023 nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần trong Nhân dân. Lễ hội vừa quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng quê châu thổ sông Hồng, vừa khai thác thế mạnh về danh thắng, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay địa phương đang hoàn thiện hồ sơ, tiến tới trình công nhận Lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Phạm Văn Chiến cho biết, trải qua một thời gian dài bị gián đoạn bởi chiến tranh, từ năm 1989, với sự chung tay của các nghệ nhân diều như Nguyễn Hữu Ngọ, Phan Văn Mai… lễ hội diều nghìn năm của mảnh đất Bá Dương Nội đã được khôi phục và duy trì cho đến nay. Đây cũng là một trong những lễ hội hiếm hoi của Việt Nam gắn với truyền thuyết thờ thần Châu Thổ.
Gửi gắm nhiều ước vọng
Nối tiếp mạch nguồn văn hóa lịch sử, hội thi thả diều làng Bá Dương Nội năm 2023 vẫn thực hiện đầy đủ các nghi thức truyền thống của địa phương. Trong đó phần lễ sẽ bao gồm các hoạt động như lễ tế Đại Tịch, lễ dâng hương, nghi thức đánh trống, đánh chiêng cầu phong…
Sáng ngày rằm tháng Ba âm lịch, lễ tế Đại Tịch được tổ chức trang trọng tại miếu thờ Châu Thổ với sự có mặt của các bậc cao niên trong những bộ lễ phục cổ truyền để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống của người dân no đủ.
Sau tế lễ, quá giờ Ngọ (12 giờ trưa), các thí sinh tham dự hội thi sẽ đem diều tới miếu Diều làm lễ trình với mong muốn thần linh chứng giám cho diều của mình bay cao. Diều dự thi phải có sải cánh tối thiểu dài 2,2m, đeo 1 - 3 sáo trở lên, diều thắng là diều lên cao và đứng im nhất.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Minh Nhương - Câu lạc bộ Văn nghệ xứ Đoài cho biết, hội thi diều làng Bá Dương Nội gửi gắm khát vọng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt của những nông dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, một nét văn hóa rất đặc trưng của nền văn minh lúa nước.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Phạm Văn Chiến cũng chia sẻ thêm, dù diện tích sản xuất đất nông nghiệp của địa phương không còn nhiều, song lễ hội diều sáo vẫn có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống của người dân địa phương, gửi gắm ước vọng làm ăn thuận lợi, kinh tế phát triển. “Xã Hồng Hà đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, đây chính là thành quả của tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng và khát vọng vươn lên của chính quyền cùng người dân địa phương” - ông Chiến phấn khởi cho biết.
Không riêng gì xã Hồng Hà, ước vọng mưa thuận gió hòa, bình an, đủ đầy còn là nỗi niềm chung của người dân huyện Đan Phượng, khi địa phương đang nỗ lực phấn đấu phát triển thành quận vào trước năm 2025. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 đã đạt 425 triệu đồng/ha.
Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập cho người dân, đáp ứng tiêu chí nông nghiệp đô thị sinh thái.
Cùng với sự phát triển của nhịp sống hiện đại, cánh diều Bá Dương Nội còn mang theo khát vọng về hòa bình cũng như quảng bá nét văn hóa độc đáo tới bạn bè quốc tế.
Những cánh diều sáo Bá Dương Nội đã từng góp mặt tại nhiều festival diều quốc tế tổ chức tại Việt Nam cũng như các nước: Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Malaysia… và được bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính chất độc đáo, đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa phi vật thể năm 2004.