Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu đãi lãi suất 2% và chuyện hỗ trợ đi vào thực chất

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn 2 tháng nữa là hết hạn nhưng tỷ lệ giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 2% tổng giá trị 40.000 tỷ đồng vẫn rất khiêm tốn.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra, tuy nhiên, những người trong cuộc là các DN cho biết, họ cần những hỗ trợ thực chất, đơn giản, phù hợp và hiệu quả với thực tế hoạt động của DN hơn nữa.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 8/2023, mới có 2.100 khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt gần 781 tỷ đồng, tức chưa đầy 2%. Đáng buồn nữa là nhiều DN đủ điều kiện đã từ chối làm thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này.

Con số này cho thấy, việc thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước với 40.000 tỷ đồng được áp dụng từ năm 2022 chưa đạt mục tiêu kỳ vọng.

Nguyên nhân được các cơ quan giám sát và chuyên gia đưa ra là chủ yếu do tâm lý e ngại, công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích hỗ trợ 2% lãi suất và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục thanh tra, kiểm tra, khó khăn về đánh giá khả năng phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định.

Tình hình sản xuất, kinh doanh đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên nhu cầu hỗ trợ của DN cũng thay đổi.

Không chỉ riêng gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhiều DN cho rằng, họ cần những hỗ trợ thực chất hơn nữa. Ví dụ, hiện nay, việc tiếp cận nhiều gói lãi suất ưu đãi đòi hỏi thủ tục phức tạp như báo cáo tài chính, hợp đồng kinh tế, hóa đơn đặt hàng, phiếu nhập - xuất kho, hóa đơn chuyển tiền… không phù hợp với DN vừa và nhỏ.

Trong khi hầu hết DN nhỏ là DN gia đình, rất khó để đáp ứng các điều kiện về hoàn thiện hồ sơ cho vay. Mặt khác, nhiều khách hàng lại có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).

Từ câu chuyện gói hỗ trợ lãi suất 2% nhiều ý nghĩa, được kỳ vọng nhưng vẫn “ế”, khối DN đề xuất, cái họ cần là các gói vay phù hợp với điều kiện thực tế của DN, thủ tục đơn giản để DN có thể đáp ứng được các thủ tục về hồ sơ. Ngoài ra, những ưu đãi thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nguồn lực còn lại của chính sách còn lớn, dự kiến khoảng 38.592 tỷ đồng/40.000 tỷ đồng, song theo Chính phủ thì việc nghiên cứu điều chuyển nguồn lực cho chính sách khác thuộc chương trình để thực hiện là khó khả thi do không đủ thời gian đánh giá hiệu quả, tác động.

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh như đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.