Ưu đãi thuế doanh nghiệp đừng chỉ cào bằng
Kinhtedothi - Chính sách thuế ưu đãi DN cần kết hợp giữa hỗ trợ có chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng và bền vững. Qua đó, giúp DN vừa tăng trưởng, vừa nâng cao chất lượng đóng góp cho nền kinh tế.
Đây là quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội) về chính sách ưu đãi thuế đối với DN.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS.
Ưu đãi thuế nặng tính cào bằng
- Thưa ông, Luật Thuế Thu nhập DN (TNDN) đang có những chính sách ưu đãi ra sao đối với DN? Những chính sách ưu đãi hiện hành đã thực sự khuyến khích, động viên DN?
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, chính sách ưu đãi thuế – đặc biệt là thuế TNDN) đóng vai trò không nhỏ trong việc định hướng đầu tư, thúc đẩy sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Theo Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn mới nhất, chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện nay bao gồm miễn, giảm thuế cho: DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (miễn 2 năm, giảm 50% trong 4 năm); chuyển nhượng vốn góp, cổ phần vào DN đổi mới sáng tạo (miễn thuế TNDN); DN nhỏ và vừa (miễn 3 năm từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN); Dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; hoạt động xã hội hóa, nông nghiệp, địa bàn khó khăn.
Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ vận hành, hệ thống ưu đãi thuế hiện đang bộc lộ nhiều điểm nghẽn: từ tư duy “ưu đãi đại trà”, thiếu gắn kết với hiệu quả đầu ra; cho tới tình trạng DN lợi dụng chính sách để tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế thay vì tối đa hóa đóng góp cho xã hội. Một số ưu đãi vẫn còn thiếu phân hóa, chưa phản ánh đúng hiệu quả đầu ra hay đóng góp ngân sách. Cụ thể, DN không tạo giá trị thực vẫn được hưởng ưu đãi nếu đạt điều kiện “trên giấy”. Trong khi đó, việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau ưu đãi còn yếu, dẫn đến lạm dụng hoặc chuyển giá.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến chính sách ưu đãi thuế chưa phản ánh đúng năng lực tạo giá trị gia tăng, đóng góp ngân sách, hay tạo việc làm của DN?
Chính sách ưu đãi thuế TNDN vốn được thiết kế như một công cụ thúc đẩy đầu tư, đổi mới sáng tạo và tạo động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành tại Việt Nam, nhiều trường hợp cho thấy chính sách này chưa phản ánh đúng năng lực tạo giá trị gia tăng, hay mức độ đóng góp thực chất của DN. Nguyên nhân của thực trạng này không phải là thiếu ưu đãi, mà là do cách thức thiết kế và thực thi chính sách còn mang tính hình thức và đầu vào.
Thứ nhất, chính sách ưu đãi vẫn thiên về “điều kiện hình thức” thay vì “hiệu quả đầu ra”. Phần lớn các ưu đãi thuế hiện hành được áp dụng căn cứ vào: lĩnh vực hoạt động (nông nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, xã hội hóa...), địa bàn đầu tư (vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa...), quy mô vốn hoặc số lao động đăng ký.
Tuy nhiên, các tiêu chí này không phản ánh đầy đủ năng lực thực sự của DN trong việc tạo ra giá trị gia tăng hay việc làm chất lượng cao. Có nhiều DN đăng ký dự án quy mô lớn, nhưng thực hiện cầm chừng, hoặc chuyển giá để né thuế.
Thứ hai, thiếu cơ chế hậu kiểm và đánh giá định kỳ để sàng lọc hiệu quả. Hầu như chưa có quy định mang tính bắt buộc về việc đánh giá định kỳ (3–5 năm) xem DN có thực hiện đúng cam kết khi được ưu đãi. Đồng thời, không thu hồi hoặc điều chỉnh ưu đãi nếu không đáp ứng hiệu quả kinh tế, xã hội thực tế.
Điều này tạo ra “vùng trũng chính sách” để DN hưởng lợi, nhưng không tạo ra giá trị tương xứng, thậm chí làm méo mó môi trường cạnh tranh.
Thứ ba, phân bổ ưu đãi còn dàn trải, thiếu trọng tâm và thiếu liên kết chính sách. Việc ưu đãi thuế trải rộng theo ngành và vùng mà chưa dựa trên hệ tiêu chí hiệu quả đầu tư dẫn đến phân tán nguồn lực tài khóa, khó xây dựng các cụm đổi mới sáng tạo, chuỗi giá trị liên kết ngành.
Ngoài ra, chính sách thuế chưa được gắn kết đủ chặt với chính sách tín dụng, đất đai, đào tạo nhân lực để tạo hiệu ứng cộng hưởng.

Chính sách nên ưu đãi DN khuyến khích đầu tư xanh, tuần hoàn, số hóa.
Nên ưu đãi theo hiệu quả đầu ra thực tế
- Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng ưu đãi thuế đại trà đang khiến ngân sách “thất thu kép” – vừa giảm thu, vừa tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Quan điểm của luật sư thế nào về nhận định này?
Quan điểm này hoàn toàn có cơ sở. Khi ưu đãi thuế được áp dụng đại trà, không chọn lọc theo hiệu quả thực tế, ngân sách vừa mất đi nguồn thu hợp lý (thất thu trực tiếp), vừa tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa các DN (thất thu gián tiếp). Nhiều DN không thực sự tạo ra giá trị gia tăng vẫn hưởng ưu đãi, trong khi DN nộp thuế đầy đủ lại chịu bất lợi. Điều này bóp méo thị trường, làm lệch hướng phân bổ nguồn lực. Do đó, chính sách thuế cần chuyển từ “ưu đãi đầu vào” sang “ưu đãi theo đầu ra thực chất”, đi kèm cơ chế đánh giá định kỳ và thu hồi nếu không đạt hiệu quả.
Muốn ưu đãi thuế thực sự tạo giá trị, phải ưu tiên những DN có đóng góp thực chất cho nền kinh tế, cần ưu đãi “DN tạo giá trị”, chứ không chỉ ưu đãi theo “hình thức đăng ký đầu tư”.
Tiêu chí lựa chọn nên dựa trên công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số và năng suất lao động; xanh – sạch – bền vững, phù hợp với cam kết giảm phát thải và kinh tế tuần hoàn; tạo giá trị gia tăng nội địa cao, gắn với chuỗi cung ứng; tạo nhiều việc làm có kỹ năng, đóng góp ngân sách ổn định.
- Một số quốc gia đang chuyển hướng từ ưu đãi theo ngành nghề sang ưu đãi theo hiệu suất đầu ra – đầu tư hiệu quả mới được hưởng ưu đãi. Việt Nam có thể học hỏi mô hình này ra sao? Theo ông, Luật thuế TNDN sửa đổi cần bổ sung hoặc điều chỉnh những điều khoản nào để khuyến khích DN phát triển bền vững, thay vì chỉ nhắm vào ưu đãi thuế ngắn hạn?
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi bằng cách chuyển từ ưu đãi “theo danh mục” sang ưu đãi “theo kết quả”. Nghĩa là, DN chỉ được hưởng ưu đãi nếu đáp ứng các chỉ số đầu ra cụ thể như: tỷ lệ nội địa hóa, số lao động chất lượng cao, mức đóng góp ngân sách, sản lượng hoặc doanh thu thực hiện cam kết. Mô hình này giúp sàng lọc DN thực chất, khuyến khích đầu tư hiệu quả, đồng thời bảo đảm công bằng và chống thất thu ngân sách.
Để khuyến khích DN phát triển bền vững, Luật Thuế TNDN nên được sửa đổi theo hướng ưu đãi theo hiệu quả đầu ra thực tế. Bổ sung cơ chế gắn ưu đãi thuế với các tiêu chí dài hạn như: mức độ đổi mới sáng tạo, tỷ lệ nội địa hóa, phát thải carbon, năng suất lao động, tỷ lệ sử dụng lao động chính thức… thay vì chỉ ưu đãi khi đăng ký dự án hoặc theo ngành nghề.
Khuyến khích đầu tư xanh, tuần hoàn, số hóa. Áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc khấu trừ chi phí cao hơn cho các khoản đầu tư vào công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi số, nghiên cứu và phát triển (R&D).
Bổ sung cơ chế đánh giá định kỳ hiệu quả ưu đãi: Cho phép Nhà nước rà soát 3–5 năm/lần đối với DN đang hưởng ưu đãi để điều chỉnh, chấm dứt nếu không đạt mục tiêu cam kết.
Tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình: Bắt buộc doanh nghiệp được ưu đãi phải công bố công khai thông tin đóng góp kinh tế – xã hội, từ đó giúp giám sát và đánh giá hiệu quả thực chất. Hạn chế tối đa ưu đãi “đầu vào”, dàn trải. Thay vào đó, chuyển sang cơ chế thưởng – phạt thuế linh hoạt, thưởng cho hiệu quả, phạt khi không thực hiện đúng cam kết.
Cảm ơn ông về chia sẻ này!

Đại biểu Quốc hội tranh luận về áp thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ sở y tế, giáo dục công lập
Kinhtedothi - Sáng 12/5, tại phiên làm việc của Kỳ họp thứ 9, tham gia thảo luận về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã tranh luận về mức thuế thu nhập doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục, y tế công lập.

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đáp ứng tình hình phát triển kinh tế
Kinhtedothi - Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được nhận định nhằm đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: đề xuất giảm thuế cho cơ quan báo chí
Kinhtedothi- Sáng 23/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).