Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu Thiên Bùi Kỷ - một đời lựa chọn “xuất - xử”

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bùi Kỷ là một trí thức xuất thân Nho học đã tích hợp tri thức Đông - Tây để suốt đời phụng sự cho sự phát triển của nền quốc văn dân tộc.

Trong vai trò một nhà giáo, nhà nghiên cứu và sáng tác, ông có ảnh hưởng to lớn đối với nền giáo dục và văn hóa nước nhà trong nửa đầu thế kỷ XX.

Chân dung Bùi Kỷ. Ảnh tư liệu
Chân dung Bùi Kỷ. Ảnh tư liệu


Tích hợp Đông - Tây để phụng sự  Quốc văn

Bùi Kỷ, tên chữ là Ưu Thiên, tên hiệu là Tử Chương, sinh ngày 5/1/1888, ở làng Châu Cầu, phủ Lý Nhân (nay thuộc thị xã Phủ Lý), tỉnh Hà Nam, trong một gia đình khoa bảng Nho học. Ông nội là Bùi Văn Quế (1837 - 1913) làm quan đến Tham tri Bộ Hình thì cáo quan về quê. Cha là Bùi Thức (1859 - 1915) đỗ Tiến sĩ (1898), không ra làm quan, ở nhà dạy học và viết sách.

Từ nhỏ, Bùi Kỷ được cha dạy về Nho học, ngoài ra còn học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1909, Bùi Kỷ đỗ Cử nhân. Một năm sau, đỗ Phó bảng, được bổ đi làm Huấn đạo, nhưng ông từ chối, lấy cớ phải ở nhà phục dưỡng cha và ông nội đang già yếu.

Năm 1912, chính quyền bảo hộ chọn cử ông sang Paris học trường thuộc địa (Ecole coloniale). Nhân dịp này, ông đi nhiều nơi trong nước Pháp và các nước lân cận; tiếp xúc với một số người Việt yêu nước và cách mạng đang ở Pháp, trong đó có Phan Chu Trinh. Năm 1914, trở về nước, dù được tòa Thống sứ Bắc Kỳ bổ dụng nhiều lần, ông đều từ chối mà ở nhà tổ chức cho gia đình sản xuất hàng thủ công xuất khẩu (bông vải, tre đan).

Sau khi cha và ông nội qua đời, Bùi Kỷ bỏ sang Quảng Châu (Trung Quốc) hai năm để tìm hiểu xã hội, văn hóa và cách thức làm ăn. Trở về nước, từ 1917, ông lên Hà Nội dạy học tại các trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng Pháp chính, theo hình thức hợp đồng. Từ năm 1932, ông còn dạy cho hai trường tư thục Văn Lang và Thăng Long.

Cũng trong thời gian này, ngoài việc dạy học, ông còn hăng hái tham gia Hội Khai Trí Tiến Đức, phong trào truyền bá Quốc ngữ, các hoạt động xã hội của giới tri thức Hà Nội như kỷ niệm 105 ngày mất Nguyễn Du (1925), lễ truy điệu Phan Chu Trinh ở Hà Nội (1926),...

Không chỉ dạy học, với vốn kiến thức Đông - Tây phong phú, ông cộng tác với một số báo chí ở Hà Nội như Nam Phong tạp chí, tập san của Hội Khai Trí Tiến Đức, báo Trung Bắc Tân Văn... Từ một nhà giáo, ông đã trở thành một nhà nghiên cứu với nhiều công trình có giá trị.

Các công trình biên khảo của ông thường gắn với nội dung dạy và học môn ngữ văn Hán - Việt bậc trung học của nhà trường phổ thông Pháp - Việt đương thời. Đó là các cuốn Quốc văn cụ thể (1932), Hán văn trích thái diễn giảng khóa bản (cùng soạn với Trần Văn Giáp, 1942), Việt Nam văn phạm bậc trung học (soạn chung với Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, 1940 ), Tiểu học Việt Nam văn phạm (soạn cùng với Trần Trọng Kim và Nguyễn Quang Oánh, 1945 ).

Nổi bật nhất trong số này là cuốn Quốc văn cụ thể, trình bày về các hình thức, thể tài các loại thơ văn tiếng Việt truyền thống.

Học giả Trần Trọng Kim, trong lời tựa quyển Quốc văn cụ thể, đã nhận định: “Bùi Ưu Thiên là một nhà văn học có giá trị hiện thời ở nước ta, vả lại là dòng thi lễ khoa giáp trong mấy đời, cho nên nghề văn của ông đã tinh, mà học lực lại uyên bác. Ông lại có lĩnh hội được cái tinh thần Tây học, và biết sự cần dùng của người mình, bèn đem cái sở đắc của ông mà làm ra sách này, có phương pháp rõ ràng, ý tứ phân minh, và lời lẽ rất lưu loát. Đọc quyển sách của ông có nhiều thú vị và lại hiểu được rõ cái quy tắc của các lối làm văn ngày xưa”.
Với các công trình biên khảo giáo khoa này, Bùi Kỷ là một trong số những nhà nghiên cứu người Việt đầu tiên tham dự vào việc hình thành các tri thức về ngữ văn Việt và Hán Việt, các tri thức thi học lịch sử về văn học Việt Nam.

Bùi Kỷ còn là học giả có nhiều đóng góp vào việc hiệu khảo văn bản một loạt truyện thơ Nôm trong kho tàng văn học dân tộc, góp phần giữ gìn và truyền lại cho đời sau. Truyện Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, in lần đầu 1925, đã dành được sự tín nhiệm của nhiều thế hệ độc giả từ đó đến nay.

Từ những năm 1930 đến những năm 1950, ông hiệu khảo một loạt truyện Nôm khuyết danh: Trê cóc, Trinh thử, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng. Ông cũng có sự đóng góp to lớn trong việc khảo cứu di sản thơ chữ Hán của Nguyễn Du; tham gia hiệu đính và giới thiệu một loạt các tác phẩm cổ điển Việt Nam như Truyền kỳ mạn lục, Tam quốc diễn nghĩa và Hồng lâu mộng...

Ông còn là tác giả các bản dịch tác phẩm chữ Hán của tác giả Việt Nam, nổi bật là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ngoài ra ông còn thử nghiệm dịch một số tác phẩm Nôm cổ điển sang chữ Hán như thơ Bà Huyện Thanh Quan, Truyện Kiều… để giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Trung Quốc.
Sự nghiệp của Bùi Kỷ là sự nghiệp của một học giả suốt đời nâng niu, thương yêu và bảo vệ và phát triển nền quốc văn dân tộc trong bối cảnh bối rối lựa chọn giữa tân - cựu, Nho học và Tây học hồi đầu thế kỷ XX. Với ông, yêu quốc văn là yêu nước, yêu nước thì yêu quốc văn.

Trên tấm bia khắc năm 1929, nhằm tưởng nhớ Nguyễn Du, ông đã tôn vinh tiếng Việt: “Tiếng nào đã làm được văn không phải là tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường, đất nào đã có người hay văn lại không phải là đất tầm thường”.

Ông hết lòng cổ súy quốc văn: “Hán văn đã một ngày một lùi để nhường cái địa vị chính đáng cho quốc văn, thì quốc văn tất có cái tương lai rất quan hệ, rất mật thiết với nước ta…”.
Ngoài tư cách một học giả, Bùi Kỷ còn sáng tác văn học với không ít trứ tác ở khá nhiều thể loại, từ văn nghị luận, phú, văn tế, câu đối... đến thơ chữ Hán và thơ tiếng Việt để thể hiện thế giới tinh thần của mình với nhiều ưu tư việc nước, việc đời. Thơ của ông được tập hợp trong tập Ưu Thiên đồ mặc (chưa được xuất bản).

Những lựa chọn tỉnh táo và sáng suốt

Cách mạng tháng Tám thành công, ông nhận lời mời tham gia Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với trọng trách là Phó ban Thường trực Ban Lãnh đạo thanh toán nạn mù chữ và sau đó là Trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc.

Ông là nhân vật nòng cốt có đóng góp quan trọng vào thành công chống mù chữ trong toàn quốc. Ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được thành lập, ông được cử vào Ủy ban Liên Việt toàn quốc. Năm 1948, ông được cử làm Chủ tịch Hội Liên Việt Liên khu III, Chủ tịch Hội Văn hóa Cứu quốc Liên khu III và Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III.

Sau kháng chiến chống Pháp, ngày 10/9/1955, MTTQ Việt Nam thành lập, Bùi Kỷ tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Cùng năm đó, ông được cử làm Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị, Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.

Nhìn lại cuộc đời Bùi Kỷ, cho thấy rằng, trước Cách mạng tháng Tám, ông chỉ hoạt động giáo dục và học thuật, không làm quan, không tham gia các tổ chức đảng phái chính trị.

Theo như Bùi Diễm - con trai của Bùi Kỷ nói thì ông “mang tư tưởng khách quan”. Ông yêu nước, ủng hộ sự đổi mới, ủng hộ đấu tranh, nhưng chỉ tập trung vào việc dạy học và viết sách. Là anh vợ, là đồng nghiệp và cộng sự nghiên cứu, rất thân thiết, cùng có tinh thần yêu nước, nhưng ông đã khác Trần Trọng Kim trong nhận thức chính trị. Ông tỉnh táo để không bị các thế lực chính trị nội/ngoại quốc lường gạt, lợi dụng và cuốn vào vòng xoáy quyền lực như ông Kim.
Nhưng, sau Cách mạng tháng Tám, ông đã nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh để tham gia chính phủ, nhiệt thành làm việc nước. Sự tham gia chính sự lúc này chứng tỏ ông đã tỉnh táo nhìn nhận thế sự, nhận ra chính nghĩa của Hồ Chí Minh, của Chính phủ cách mạng và đã nỗ lực đóng góp vào sự nghiệp chung của toàn dân bằng chính kiến thức, nghề nghiệp và uy tín của mình. Đây là một sự lựa chọn “xuất - xử”, “hành - tàng” chính xác của ông trong tư cách một nhà Nho. Đúng như ông đã viết trong bài “Thân thể luận”: "Gặp thời mà thi thố cái chí nguyện của mình thì chữ “đạt” là vui thích. Không gặp thời thì cố hết sức lấy chữ minh triết làm cốt, dẫu đời không biết mà vẫn có cái giá thanh cao thì chữ “cùng” lại là vui thích…”.

 

Bùi Kỷ tạ thế ngày 19/5/1960, thọ 72 tuổi. Cuộc đời ông luôn là những lựa chọn. Ông không làm quan để dấn thân vào con đường giáo dục và học thuật; đứng ngoài các đảng phái rồi lại tham gia Chính phủ cách mạng. Mọi sự lựa chọn của ông đều chính xác để xác lập một học giả, nhà giáo Bùi Kỷ danh giá và sang trọng.