Ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa
Kinhtedothi – Theo dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô) đang được TP Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân, TP ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa.
Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7, với nhiều chính sách, quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ và đột phá, trong đó có lĩnh vực văn hóa.
Trong đó, khoản 7, Điều 21 của Luật Thủ đô 2024 về “Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch” quy định rõ TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. HĐND TP TP quy định chi tiết thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của TP.

Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Vũ Hải
Triển khai khoản 7, Điều 21 của Luật Thủ đô 2024, HĐND TP Hà Nội đã xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, đang lấy ý kiến Nhân dân. Trong đó quy định rõ chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa.
Cụ thể, TP ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển công nghiệp văn hóa để giao hoặc cho trung tâm công nghiệp văn hóa thuê. TP ưu tiên xem xét chuyển đổi công năng của công trình tài sản công thành các không gian sáng tạo văn hóa mới để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa.
Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô.
Trung tâm công nghiệp văn hóa được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa. Trường hợp thuê công trình tài sản công để thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị quyết này, nhà đầu tư được khấu trừ tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa vào tiền thuê công trình; được miễn tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa 3 năm đầu thành lập, giảm 50% tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa 3 năm tiếp theo.
Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được ngân sách Nhà nước các cấp của TP hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp văn hóa; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của TP.
TP hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình tài trợ và vườn ươm doanh nghiệp; liên kết giữa các ngành công nghiệp văn hóa với nhau, giữa các ngành công nghiệp văn hóa với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các hội, hiệp hội chuyên ngành trong nước và quốc tế tham gia các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa; hỗ trợ tổ chức các hội thảo, hội nghị, triển lãm, sự kiện quốc tế như lễ hội âm nhạc, hội chợ nghệ thuật, hội chợ sách… nhằm quảng bá nghệ thuật và văn hóa.
Cùng với đó, TP hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện các cơ chế hợp tác công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức hợp tác công tư.
Việc ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong trung tâm công nghiệp văn hóa quy định tại Điều này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện trực tiếp hoặc thông qua đơn vị quản lý, vận hành trung tâm công nghiệp văn hóa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các chính sách vượt trội của dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa sẽ có ý nghĩa rất lớn trong hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa nói riêng và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô nói chung.
Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trong thời gian gần đây, Hà Nội đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, khai thông những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực văn hóa nói chung, phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng. Tuy nhiên, dường như những chính sách ấy vẫn chưa đủ để tạo ra sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của ngành kinh tế này.
Do đó, TP cần hoạch định và triển khai những chính sách tạo đòn bẩy cho phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy toàn diện các khâu trong chuỗi giá trị, từ sáng tạo, sản xuất đến phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa sáng tạo. Đồng thời cần thiết lập cơ chế đối thoại và hợp tác với các bên liên quan như nghệ sĩ, nhà sáng tạo, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, doanh nghiệp công nghiệp thuộc cả khu vực Nhà nước, tư nhân và cộng đồng địa phương để xác định và giải quyết kịp thời các vấn đề trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
“Để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, Hà Nội cần xây dựng cơ chế ưu đãi dành cho cụm du lịch như đảm bảo quy trình phê duyệt phát triển nhanh, tinh giản quy trình cấp phép và cấp giấy phép cho các dịch vụ du lịch và chính sách hỗ trợ tài chính như trợ cấp cho nhân viên, ưu đãi thuế, tài trợ... Bên cạnh đó, bằng mô hình hợp tác công - tư, chúng ta có khả năng thu hút các nguồn lực, năng lực sáng tạo, chủ động của khu vực tư nhân, sự tham gia của các cộng đồng dân cư trong tạo lập, cải thiện kinh tế gắn với bảo tồn các giá trị di sản, xây dựng các sản phẩm phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa” - PGS.TS Phạm Thị Thu Hương chia sẻ.

Công nghiệp văn hóa gắn với thành phố sáng tạo: động lực phát triển cho Thủ đô
Kinhtedothi - Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về Công nghiệp văn hóa (CNVH) thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Và khi CNVH gắn với thực hiện TP sáng tạo chắc chắn sẽ là động lực phát triển cho Thủ đô.

Đòn bẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Kinhtedothi – Luật Thủ đô năm 2024 quy định, TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đây là chính sách đột phá góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về việc tổ chức hội thảo về “Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa”.