70 năm giải phóng Thủ đô

Ưu tiên sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi, hướng tới trở thành trung tâm cung cấp giống cho cả nước.

Chăn nuôi bò thịt giống Wagyu tại xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì. Ảnh: Ngọc Ánh
Chăn nuôi bò thịt giống Wagyu tại xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì. Ảnh: Ngọc Ánh

Nhiều cơ sở sản xuất giống uy tín, quy mô lớn

Những năm gần đây, trên địa bàn TP ngày càng hình thành nhiều cơ sở, trang trại sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao, quy mô lớn. Tổng Giám đốc Công ty CP Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho biết, năm 2012, công ty được UBND TP Hà Nội giao thực hiện dự án phát triển giống bò thịt BBB.

Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã lai tạo được hơn 240.000 bê lai F1 BBB, qua đó tăng năng suất đàn bò thịt lai tạo so với các giống lai trước đây 25 - 30%; đồng thời nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho nông hộ và cung ứng hơn 120.000 tấn bò hơi F1 BBB chất lượng cao cho thị trường Hà Nội.

Là một trong những đơn vị sản xuất giống gia cầm chất lượng cao của Hà Nội, Giám đốc Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ, công ty đang tập trung nuôi các giống gia cầm bản địa như: Gà Mía (thị xã Sơn Tây), gà Hồ (tỉnh Bắc Ninh), gà Đông Tảo (tỉnh Hưng Yên)... Đây là những giống có chất lượng cao, được chăn nuôi theo phương thức bảo tồn gen. Trung bình mỗi năm công ty bán ra thị trường 45 vạn con giống.

Thông tin về chương trình phát triển giống vật nuôi trên địa bàn TP, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa nhận định, Hà Nội đã tập trung phát triển con giống bằng việc đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các giống bò thịt chất lượng cao như: BBB, Wagyu, Angus... hiện chiếm hơn 30%. Cùng với đó, hàng năm, các trang trại trên địa bàn sản xuất hơn 4 triệu con lợn giống (trong đó có gần 40.000 con lợn bố mẹ) cung cấp cho thị trường.

Hà Nội cũng đã hình thành 9 vùng phát triển chăn nuôi gà tập trung quy mô lớn tại các huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Đông Anh và 3 vùng chăn nuôi vịt tại các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai.

Mặt khác, các hợp tác xã, DN đã nâng cao năng suất sinh sản đàn vật nuôi bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như thụ tinh nhân tạo, tiến tới phương thức cấy truyền phôi, nhân giống có năng suất chất lượng cao để cải thiện chất lượng đàn giống vật nuôi trên địa bàn.

Nâng chất lượng, siết quản lý

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn TP vẫn chiếm hơn 60%, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, giá giống không ổn định và chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất giống chất lượng cao.

Đề xuất giải pháp hình thành những vùng sản xuất giống vật nuôi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho rằng, cùng với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã, DN xây dựng thương hiệu và tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để duy trì sản xuất con giống trong mọi tình huống. Song song với đó, ngành nông nghiệp Hà Nội cần thường xuyên phối hợp với các địa phương thúc đẩy sản xuất giống; thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quản lý giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi.

Phấn đấu đưa Hà Nội trở thành trung tâm sản xuất giống vật nuôi cung cấp cho các tỉnh, TP, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 4958/QĐ-UBND ngày 23/11/2021 của UBND TP Hà Nội về kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa) và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đưa một số giống bò như: Charolais, Angus, Limousine vào sản xuất. Với lợn và gia cầm, sẽ tập trung giữ các giống bản địa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, TP đang tập trung xây dựng các vùng, xã trọng điểm chuyên sản xuất giống nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giống tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh, TP; đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để phát triển bền vững, hiệu quả.

 

Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc đưa công nghệ cao vào chăn nuôi với 88% là lợn giống ngoại và tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, Hà Nội dẫn đầu cả nước về phát triển giống bò thịt BBB, Wagyu… cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho các tỉnh, TP.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường