Tại sao lại có vách kính ngăn giữa cán bộ, công chức thực thi công vụ với người dân, câu hỏi tưởng như đơn giản, nhưng lại gợi mở khá nhiều suy nghĩ.
Một vách kính trong suốt chạy dọc theo dãy bàn của bộ phận một cửa và được khoét những khoảng trống để người dân đưa hồ sơ vào cho cán bộ thụ lý, dường như đã trở thành hình ảnh quen thuộc với mỗi người khi đến trụ sở các cơ quan hành chính để giao dịch hành chính. Cũng bởi quen thuộc, nên nhiều người còn cho rằng, có vách kính làm cho bộ phận một cửa trông khang trang hơn, bảo đảm an toàn cho hồ sơ tài liệu và bản thân cán bộ khi giao dịch…
Dù rằng qua ô cửa kính hạn hẹp ấy, cán bộ và người dân đều nhìn thấy nhau, nghe tiếng nói của nhau, nhưng cũng có cảm giác dường như có “bức tường” vô hình ngăn cách giữa người dân và cơ quan công quyền. Chưa kể việc, để vách ngăn kính sẽ phần nào cản trở giao tiếp, trao đổi thông tin giữa người dân với cán bộ thực thi công vụ, dễ gây tâm lý e ngại từ phía người dân khi đến “cửa công”.
Có những trường hợp, do khoảng trống quá nhỏ, người dân còn phải ngó xuống mới nói chuyện được với cán bộ ở trong hoặc phải ngó hẳn đầu vào như trường hợp trong những hình ảnh đang được đăng tải. Chưa kể, không ít nơi, diện tích khiêm tốn, bộ phận một cửa đã chật lại có vách ngăn càng làm cho không gian hẹp hơn.
Dù ai cũng hiểu vách kính ngăn ấy chỉ là hình thức, không phải là bản chất của vấn đề cải cách hành chính. Quan trọng nhất vẫn là ý thức về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa nói riêng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước nói chung. Nhưng dẫu sao vách kính ấy dường như tạo cảm giác và làm cho mối quan hệ giữa người dân với cán bộ công quyền trở nên xa cách.
Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng trên thực tế có một số địa phương, trong đó có một số quận, huyện của Hà Nội đã nhận thấy việc “bất tiện” của vách kính này, đã chủ động dỡ bỏ để đón tiếp người dân tốt hơn, xây dựng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thân thiện, gần dân. Người dân khi đến cơ quan công quyền là những khách hàng thật sự, còn cán bộ thực thi công vụ là công bộc.
Quan điểm hành động quyết liệt để phục Nhân dân, phục vụ sự phát triển, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền đang được thực thi mạnh mẽ. Những mô hình cơ quan thân thiện, nhiều kết quả giải quyết thủ tục hành chính được trả tại nhà cho cá nhân, DN. "Thư chúc mừng", "Thư chia sẻ"… đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền tới người dân.
Dù không có một quy định cụ thể nào về việc có hay không vách kính ngăn trong phòng tiếp công dân, hoặc kê bàn ghế thế nào là phù hợp, nhưng đã đến lúc chính quyền các cấp cần suy nghĩ thật sự thấu đáo về việc có nên tiếp tục giữ vách kính ngăn ở những địa điểm giao tiếp giữa người dân với cơ quan công quyền nữa hay không. Bởi từ thực tế cho thấy, nếu bỏ vách kính ngăn - chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ ấy, sẽ tạo ra không gian rộng rãi, thoáng đãng, tạo cảm giác chính quyền thân thiện, gần gũi hơn với Nhân dân, đó là quan điểm được nhiều người đồng tình.