Vài suy tưởng của một người nuôi chó

Hoàng Hải Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những gì mà bạn quan sát khi nuôi chó, có thể nhận ra rằng: Nếu con chó thân thiện với bạn, nó nghĩ bạn là một con chó tử tế; nếu con chó trung thành với bạn, nó nghĩ bạn là con chó đầu đàn.

 Chó Phú Quốc
1. Tôi nuôi một đàn chó Phú Quốc, giờ đã lên tới 30 con. Chúng sống với tôi trong vườn, như những người thân trong một gia đình. Chúng mang đến cho tôi cảm giác an lành - cảm giác tôi chưa từng biết trước khi nuôi chó. Người ta bảo chó Phú Quốc là quốc khuyển, không thua kém bất cứ loài chó quý nào trên thế giới, thậm chí còn nổi trội hơn. Nhưng tôi không tự hào về điều đó, tôi tự hào chỉ vì chúng là những đứa con thân yêu của tôi.
Đối với tôi, bất cứ con chó nào đều là những con chó kỳ diệu.
Sống với đám chó và nuôi dạy chúng, tôi ngày càng nhận ra những con chó dạy cho tôi nhiều điều hơn là tôi dạy chúng. Tôi viết “Ký sự người nuôi chó” 35 kỳ, nhưng những gì có thể viết về chúng gần như vô tận, vì mỗi ngày qua đi chúng đều mang đến cho tôi những điều mới mẻ.

Những con chó hàng ngày nghĩ gì chúng ta không biết được và đừng cố biết mất công. Đừng ngạo mạn cho rằng chỉ có con người mới tư duy. Chỉ đơn giản là tư duy của con người không thâu tóm được tư duy của chó. Nhưng từ những gì quan sát khi nuôi chó, bạn có thể nhận ra: Nếu con chó thân thiện với bạn, nó nghĩ bạn là một con chó tử tế. Nếu con chó trung thành với bạn, nó nghĩ bạn là con chó đầu đàn.

Tôi tâm đắc với triết lý của Cesar Millan - người dạy chó lừng danh thế giới: Bạn không nên nghĩ mình là chủ của những con chó, mà trước hết phải trở thành bạn của nó và trở thành một con đầu đàn. Trên thế giới có những con chó nổi tiếng lấy không biết bao nhiêu nước mắt của nhân loại. Người ta tôn vinh ca ngợi chúng, nhưng ít ai để ý đằng sau những con chó kỳ diệu đó là những “con đầu đàn” không tiếng tăm, đó là những người nuôi chúng.

2. Theo kinh nghiệm của tôi thì dạy chó khó hơn dạy người. Mỗi con người là một cá nhân tự do tồn tại riêng biệt. Thoạt kỳ thủy dạy người là dạy từng cá thể riêng biệt, không phải dạy cho một đám đông được tập hợp lại. Nhưng dần dần nhân loại tự nhào nặn mình theo những chuẩn mực của đám đông, mỗi người không tự sống với sự riêng tư của mình, từ đó con người đánh mất bản sắc, trở thành “muôn người như một”.
Ngày nay giáo dục 1 triệu người không khác bao nhiêu với giáo dục một người, một giáo trình áp dụng cho đồng loạt, bất chấp cá tính. Các chính khách gộp mọi người lại thành “công chúng”, các nhà quảng cáo gộp mọi người lại thành “người tiêu dùng”, truyền thông gộp mọi người lại thành “độc giả”, “khán giả”, “thính giả”. Một bộ phận con người biến thành kẻ hám danh, hám lợi với những đặc điểm giống nhau. Kẻ hám danh có thể dùng danh để sai khiến, người hám lợi có thể dùng lợi để điều khiển. Với con chó thì hoàn toàn khác!

30 con chó của tôi mỗi con là một cá thể riêng biệt không bị nhào nặn thành một tập thể. Không có một phương pháp chung cho 30 con mà mỗi con áp dụng một cách dạy riêng. Con chó đương nhiên cần miếng ăn, trong việc ăn nó biết tri túc hơn là con người. Nhưng đừng tưởng con chó ham ăn mà có thể dùng miếng ăn để dạy nó.
Lấy miếng ăn dạy chó là sai lầm, cách đó chỉ có thể dạy được cách đi đứng, nằm ngồi, bò lết, là những hành vi nô lệ. Dùng miếng ăn để dạy chó, con chó có thể thực hiện nghiêm túc các hành vi nô lệ đó, nhưng nó nhất định không thực hiện các hành vi cao cả. Hành vi cao cả con chó chỉ dành cho những ai thương yêu, thông hiểu nó. Đó là điều diễn ra tự nhiên, là sự đáp trả tự nhiên không cần dạy, không cần “huấn luyện” và không dạy được, không “huấn luyện” được.

3. Thân phận của từng con chó không phụ thuộc vào thân phận của người nuôi, mà phụ thuộc vào phẩm hạnh của mỗi chúng ta. Nhiều con chó may mắn được sống với những người tử tế và có vô số những con chó bất hạnh khi phải sống với những kẻ ác độc. Con chó không những không chọn cửa để sinh ra mà còn không chọn cửa để đi đến. Khi một con chó đã ở với bạn, nó không bao giờ rời xa bạn, dù bạn có coi nó là thành viên của gia đình hay bị bạn ruồng rẫy đánh đập rồi đưa vào nồi rựa mận.

Đối với con chó, sự trung thành là thuộc tính tự nhiên, không có ngoại lệ. Chỉ xin lưu ý rằng, con chó không coi những người bỏ tiền ra mua nó về là chủ, nó chỉ coi người sống với nó, cho nó ăn hàng ngày là chủ thôi. Đừng nghĩ rằng con chó “ngu trung”. Sống cùng loài người suốt mấy chục vạn năm nay, loài chó chịu rủi ro nhiều hơn là may mắn, nhưng chúng vẫn giữ được sự hồn nhiên thiên bẩm. Không nên đem đạo lý của con người “quy chiếu” vào con chó mà chỉ nên suy tưởng về đạo lý làm người.
Câu chuyện của lòng trung thành

Nói về loài chó, không chỉ người dân Nhật Bản mà trên khắp thế giới vẫn truyền tai nhau “Câu chuyện của lòng trung thành”. Đó là, năm 1924, giáo sư Hidesaburo Ueno đưa chú chó Hachiko tới Tokyo. Mỗi sáng, Hachiko theo tiễn chủ tới tận nhà ga Shibuya và chờ đón ông lúc cuối ngày.
Nhưng, những ngày hạnh phúc kéo dài không bao lâu, Ueno đột ngột qua đời ngay tại nơi làm việc. Kể từ đó Hachiko vẫn giữ nguyên thói quen “đưa – đón” Ueno ròng rã suốt 9 năm 9 tháng 15 ngày bất kể thời tiết cho đến khi chết. Câu chuyện về chú chó Hachiko đã trở thành biểu tượng và là câu chuyện truyền cảm hứng sâu sắc về tình bạn và lòng trung thành…