|
Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Tạ Đức Giang |
Ông nhận định thế nào về vai trò của thanh thiếu niên, trẻ nhỏ đối với văn hóa giao thông?- Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, ở nhiều đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, văn hóa giao thông chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Khoảng cách đó không thể một sớm một chiều san lấp, mà cần phải có một quá trình dài, vừa xây dựng, bồi đắp cho thế hệ hiện tại, vừa chuẩn bị kỹ lưỡng cho thế hệ tương lai.
Không ít thói hư tật xấu trong giao thông có thể phải chờ thêm thời gian dài nữa, khi lớp thanh thiếu niên, trẻ nhỏ hiện nay trưởng thành mới có thể xóa đi được. Bởi vậy, vai trò của các em là vô cùng quan trọng, thậm chí là quyết định sự thành bại của một số mục tiêu trong xây dựng văn hóa giao thông.
Người lớn có tác động như thế nào đến ý thức, văn hóa giao thông của thanh thiếu niên, trẻ nhỏ thưa ông?- Vai trò của người lớn nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giao thông cho lớp thanh thiếu niên, trẻ nhỏ. Bởi người lớn, phụ huynh chính là kênh thông tin tuyên truyền gần gũi nhất, tác động mạnh mẽ nhất đến nhận thức, ý thức của các em.
Phụ huynh thể hiện sự tự giác, nghiêm túc chấp hành luật, tham gia giao thông có trách nhiệm sẽ góp phần quan trọng nhất vào việc hình thành ý thức của trẻ. Ngược lại, người lớn nêu gương xấu thì trẻ em sẽ có nhận thức lệc lạch về văn hóa giao thông, coi thường pháp luật. Và không ai khác, chính các bậc phụ huynh sẽ là những người phải chịu hậu quả từ những thói hư tật xấu trong văn hóa giao thông của thanh thiếu niên, trẻ nhỏ. Thậm chí sự lệch lạc đó còn ảnh hưởng cả đến tính cách, lối ứng xử của trẻ với chính cha mẹ, người thân của mình.
Ông có thể phân tích rõ hơn về hậu quả của việc người lớn nêu gương xấu trong giao thông?- Khi người lớn thiếu ý thức, văn hóa giao thông, thể hiện những thói hư tật xấu của mình trước mặt trẻ nhỏ họ sẽ phải chịu hai hệ luỵ rất lớn. Thứ nhất là vừa làm tăng nguy cơ mất ATGT cho chính mình và con em; vừa khiến bản thân và các em bị cộng đồng xung quanh chê trách, thiếu tôn trọng.
Thứ hai là khi tập nhiễm thói hư tật xấu trong giao thông cho trẻ em, khiến các em tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành luật, chính người lớn sẽ phải hứng chịu các vấn đề như tắc đường, tai nạn giao thông, hoặc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cộng đồng khi con em mình vi phạm giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là mất con, hoặc con cái bị thương tật, bị cơ quan chức năng xử lý… Cuối cùng người đau xót nhất, hối tiếc nhất luôn là các bậc phụ huynh.
Và ông có cho rằng các bậc phụ huynh đã nhận thức hết được những hệ luỵ đó?- Chắc chắn đại đa số các bậc phụ huynh đều hiểu rõ hệ luỵ của việc tập nhiễm các thói hư tật xấu trong giao thông cho con em mình. Tuy nhiên phần vì chưa ý thức hết được những nguy cơ khó lường, phần vì xao nhãng, phó mặc việc giáo dục cho nhà trường, hoặc quá chiều chuộng con cháu nên vẫn còn một bộ phận người lớn, phụ huynh lơ là việc giáo dục văn hóa giao thông trong gia đình.
Văn hóa giao thông là một bộ phận quan trọng cấu thành tính nhân văn của mỗi con người. Đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò đó lại càng nổi bật. Chăm chút ý thức, văn hóa giao thông cho trẻ em chính là chuẩn bị cho một tương lai an toàn, văn minh của cả các em lẫn gia đình.
Xin cảm ơn ông!