Vai trò quan trọng của kiến trúc trong phát triển bền vững

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế tri thức, hội nhập sâu rộng, các vấn đề toàn cầu truyền thống, phi truyền thống và công cuộc đổi mới đất nước đặt ra và đòi hỏi đội ngũ kiến trúc sư (KTS) Việt Nam cần phải có những nỗ lực mới, yêu cầu mới.

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn tại Hội thảo “Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững Văn hóa - Kinh tế - Xã hội". Sự kiện do Hội KTS Việt Nam tổ chức ngày 22/4, nhân kỉ niệm ngày Kiến trúc sư Việt Nam 27/4 và 75 năm ngày thành lập Hội KTS Việt Nam.

Nỗ lực trước yêu cầu mới

Hội thảo được Hội KTS Việt Nam tổ chức nhằm nhìn lại những đóng góp của kiến trúc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, từ đó có những đề xuất, giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của kiến trúc trong sự nghiệp phát triển của đất nước

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định vai trò rất quan trọng của lĩnh vực kiến trúc với đời sống kinh tế, xã hội và con người.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định vai trò rất quan trọng của lĩnh vực kiến trúc với đời sống kinh tế, xã hội và con người.

Đồng thời hướng tới thực hiện các định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước từ Hội nghị văn hoá toàn quốc 2022, đặt kiến trúc trong bối cảnh sự chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chú trọng công nghệ, sáng tạo và bối cảnh xã hội đương đại với những mục tiêu toàn cầu hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã ghi nhận những đóng góp của lĩnh vực kiến trúc và các KTS đối với lịch sử đất nước, khẳng định vai trò rất quan trọng của lĩnh vực kiến trúc với đời sống kinh tế, xã hội và con người. “Nhìn lại chặng đường 75 năm phát triển của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tôi vui mừng về những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Hội. Tôi đặc biệt đánh giá cao những đóng góp hết sức quan trọng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2019. Với niềm tự hào về thành tựu của 75 năm phấn đấu và trưởng thành của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tôi hết sức tin tưởng vào những bước phát triển vững chắc và đột phá của Hội trong thời gian tới, tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò quan trọng của Hội trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước.” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều thách thức lớn mà Hội KTS Việt Nam đang phải đối mặt như: Kinh tế tri thức, hội nhập sâu rộng, các vấn đề toàn cầu truyền thống, phi truyền thống và công cuộc đổi mới đất nước ta. Điều này đặt ra và đòi hỏi đội ngũ KTS Việt Nam cần phải có những nỗ lực mới, yêu cầu mới.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị Hội KTS Việt Nam quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ như: Nâng cao chất lượng liên kết, phối hợp một cách thực chất giữa các chi hội cơ sở, các thành viên, hội viên; đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa hơn nữa trong hoạt động để hoạt động của Hội có sức lan tỏa rộng khắp.

Tiếp tục các hoạt động phản biện, tư vấn chính sách, tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc.

Quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác lý luận, phê bình, phản biện kiến trúc, xác định đây không chỉ là nền tảng cốt yếu để định hướng, mở đường cho phát triển nền kiến trúc của Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn đóng góp cho kho tàng tri thức dân tộc…

Tiên phong tạo dựng không gian sống nhân văn, bền vững

Bàn về vai trò của kiến trúc với phát triển bền vững đất nước, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam TS.KTS Phan Đăng Sơn cho hay, kiến trúc là một ngành khoa học kỹ thuật không thể thiếu trong nền tảng hạ tầng phát triển của mọi xã hội.

Hội KTS Việt Nam cùng các thế hệ KTS Việt Nam đã đang và sẽ luôn ý thức và hành động vì điều đó. Việc xác định đúng vai trò trong cộng đồng dân tộc vì sự phát triển đất nước luôn là mục tiêu và động lực của nền kiến trúc và người làm kiến trúc Việt Nam.

KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam tham luận tại hội thảo.
KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam tham luận tại hội thảo.

Tại tham luận Giải mã gen Văn hoá Kiến trúc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào khẳng định: “Thời đại 4.0 đem lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, hội nhập văn hóa, hợp tác khoa học, công nghệ và lan tỏa kiến trúc, tuy nhiên, luôn đi kèm thách thức. Bản sắc văn hóa và kiến trúc bản địa không thể bị mai một, hòa tan, biến mất. Văn hóa và kiến trúc gắn bó khăng khít với nhau, tạo nên hồn cốt dân tộc. Truyền thống là điểm tựa vững chắc cho văn hóa và kiến trúc trong quá trình tiếp thu những yếu tố mới để thích ứng với thời đại. Văn hóa và kiến trúc bản địa có bộ gen cần giải mã, với sự kết hợp ở những tỷ lệ khác nhau của bốn yếu tố cơ bản là địa hình, khí hậu, phong tục tập quán và quan hệ xã hội. Các yếu tố này có thể thay đổi, do vậy cần được bóc tách, định lượng làm cơ sở xác định các giá trị, sao cho sản phẩm cuối cùng là một nền kiến trúc không mất đi giá trị cốt lõi và lạc hậu với thời cuộc”.

Trình bày về kiến trúc vị nhân sinh và triết lý người làm nghề, KTS Đoàn Thanh Hà (H&P Architect) cho rằng, kiến trúc vị nhân sinh không phải là một khái niệm mới, nó luôn được đề cao trong thiết kế từ các thế hệ KTS đầu tiên của chúng ta cho đến ngày nay. Vượt qua khuôn khổ quốc gia, kiến trúc vị nhân sinh cũng là triết lý được đề cao trong giới KTS quốc tế.

Ông cho biết thêm: “Kể từ khi KTS được coi là một nghề tại Việt Nam, chúng ta đã trải qua một quá trình lịch sử với nhiều cố gắng của chính phủ trong định hình lại không gian nhà ở, tuy nhiên sự quan tâm này là chưa đủ, nhưng đó cũng cũng là động lực thúc đẩy các KTS trẻ dấn thân hơn, tạo ra bước đột phá cho kiến trúc nhà ở”.

Các KTS tham gia phiên thảo luận 
Các KTS tham gia phiên thảo luận 

Thảo luận tại hội thảo, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, TS. KTS Phạm Tuấn Long nhận định: “Trong giai đoạn từ 1954 - 1986, công tác quản lý, tái thiết bảo tồn đô thị chưa dành được nhiều nguồn lực và chú trọng phát triển, dẫn đến nhiều ảnh hưởng đối với hiện tại. Vì vậy, điều quan trọng trong phát triển kiến trúc gắn với thực tiễn là tìm ra các nguồn lực và khai thác các tiềm năng phát triển, đặc trưng riêng của từng vùng. Hà Nội còn nhiều thú vị về con người, văn hoá, điều kiện khí hậu, thời tiết, tạo ra những cảm xúc riêng cho những người làm nghệ thuật, chúng tôi đã, đang và sẽ cùng các nghệ sĩ, các KTS tìm ra và tái thiết, chỉnh trang lại các không gian này”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của các KTS đã khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, các thế hệ kiến trúc sư vẫn đang tiếp tục khẳng định vị thế của mình là lực lượng tiên phong trong xây dựng các đô thị xanh, hiện đại, phát triển bền vững, là nền tảng và cơ sở hạ tầng để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo dựng những không gian sống nhân văn, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường…