Vẫn còn cảnh đốt rơm rạ

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, trong buổi chiều tối, chúng tôi về một vùng quê thuộc huyện ngoại thành, vùng quê yên ả và xinh đẹp. Tuy nhiên, khi đi trên đường nội đồng thì bị khói từ ruộng bốc lên cản trở tầm nhìn, mắt mũi cay xè.


Chúng tôi được biết, việc đốt rơm rạ đã được khuyến cáo là không nên vì gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, việc đốt rơm rạ sẽ thải các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.

Đốt rơm rạ cũng làm cho đất bị chai cằn, làm giảm tầm nhìn với người lưu thông trên đường.

Từ ngày 25/8/2022, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực.

Khi đó, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 41 của nghị định quy định: phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Việc đốt rơm rạ và những tác hại của nó đã được các phương tiện truyền thông, chính quyền địa phương... tuyên truyền cho người dân biết. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn xảy ra ở nơi này nơi khác. Mới đây, UBND xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, đã phạt hành chính 3 trường hợp đốt rơm rạ trái quy định hơn 8 triệu đồng.

Một nông dân cho biết: “Người dân đốt rơm rạ vì tiện lợi, vừa diệt sâu bệnh, vừa lấy tro bón ruộng. Hơn nữa, nếu cắt rạ mang về mất công, lại không biết để đâu”.

Vấn đề mấu chốt là nông dân không biết làm gì khi cắt rơm rạ mang về nhà, khi vườn nhà ngày càng chật hẹp, người dân dùng bếp ga, bếp điện thay cho củi, rơm trong nấu nướng.

Như các nhà khoa học đã lên tiếng, ngoài việc tuyên truyền cho người dân về tác hại gây ô nhiễm môi trường của đốt rơm rạ, điều quan trọng là chúng ta cần có cách dùng tài nguyên này, một tài nguyên khổng lồ.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, hằng năm ước tính nước ta có khoảng 45 triệu tấn rơm khô, 8 triệu tấn trấu, 30 - 50 triệu phế phụ phẩm thực vật khác.

Với số phụ phẩm này, nếu được các cơ quan chức năng hỗ trợ, nông dân có thể dùng để trồng nấm rơm, thức ăn gia súc, phân hữu cơ...

Nếu không dùng số phụ phẩm nói trên, theo các chuyên gia nông nghiệp, số tiền lãng phí có thể lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng.

Chỉ khi nào, nông dân thấy rõ được lợi ích của rơm rạ sau thu hoạch lúa, lúc đó việc đốt phụ phẩm này mới chấm dứt hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc hướng dẫn và cùng nông dân thu gom phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có rơm rạ là một vấn đề khá lâu dài (nhưng đã có địa phương thực hiện). Trước mắt, chính quyền địa phương cần nhắc nhở người dân thường xuyên, trước và ngay sau khi mùa gặt, để cảnh đốt rơm rạ giảm thiểu, giúp không khí trong lành hơn.