Vẫn còn nỗi lo học sinh bị bạo lực

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, khi học sinh cả nước đang háo hức chuẩn bị bước vào năm học mới thì đâu đó vẫn còn những vụ bạo lực học đường, bạo lực học sinh xảy ra. Làm thế nào để hạn chế, thậm chí chấm dứt các hành vi bạo lực là vấn đề tiếp tục được đặt ra.

Liên tiếp vụ việc học sinh bị hành hung

Sau thời gian tạm lắng, bạo lực học đường (BLHĐ), bạo lực học sinh lại tái diễn. Vài ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện 3 clip ghi lại cảnh một nữ sinh bị 2 người lao vào đánh, lột quần áo mặc cho nạn nhân khóc lóc, van xin. Sự việc được xác định xảy ra tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nữ sinh bị đánh trong clip tên Y.N. (học sinh lớp 8, Trường THCS Thạch Kim, huyện Lộc Hà). Bố mẹ em Y.N. đã ly hôn, em sinh sống cùng ông bà nội.

Vài ngày gần đây liên tiếp diễn ra vụ việc học sinh bị hành hung (Ảnh cắt từ clip)
Vài ngày gần đây liên tiếp diễn ra vụ việc học sinh bị hành hung (ảnh cắt từ clip).

Được biết, trước đó, ông bà nội phát hiện Y.N. bị trầy xước, bầm tím nhưng gặng hỏi cháu thì nhận được câu trả lời là “bị ngã xe”. Đến sáng 30/8, ông nội thấy Y.N. có nhiều biểu hiện bất thường, đi không vững nên tiếp tục hỏi han. Lúc này, cô cháu gái mới nói là bị bạn hành hung.

Theo thông tin phía gia đình nạn nhân, trong 3 ngày liên tục (từ 27-29/8), Y.N. bị nhóm học sinh gọi ra khu vực bờ đê ở địa phương để đánh đập. Nữ sinh Y.N. có bạn thân đi cùng, người bạn muốn vào can ngăn nhưng nhóm nữ sinh còn đe dọa, ép buộc phải cầm điện thoại quay clip.

Về nguyên nhân Y.N. bị đánh, gia đình em cho hay, do nhóm kia nói Y.N. đã nói xấu mình nên gọi cháu ra hành hung. Hiện gia đình Y. N. đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ.

Cùng thời gian này, trên mạng xã hội cũng lan truyền clip 1 nam sinh bị 3 người lớn và 1 học sinh khác hành hung tại quán internet. Học sinh bị đánh tên là N.H.L. còn học sinh đánh bạn là L.N.A. (đều học lớp 9).

Sự việc được xác định như sau: Khoảng 16 giờ 30 ngày 26/8, N.H.L. cùng bạn đến quán games tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội chơi. Khi đang chơi tại quán thì có hai phụ nữ đi cùng L.N.A. đến quán dùng tay tát vào mặt N.H.L. rồi lôi em ra ngoài cửa quán tiếp tục dùng tay tát nhiều lần vào mặt em. Sau đó, lại có thêm một nam giới đến đánh N.H.L.

Mặc dù đã quỳ xuống xin tha nhưng nhóm người hành hung N.H.L. vẫn không dừng lại. Cuối cùng, em  cũng được mọi người can ngan và tự đi về nhà. Sau khi thăm khám, các bác sỹ kết luận em bị rách da vùng đầu bên thái dương phải, rách da đầu bên trái, trầy xước da vùng lưng. Gia đình em đã trình báo vụ việc đến cơ quan chức năng, yêu cầu xác minh, làm rõ.

Nắm được thông tin về sự việc, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm của hai học sinh phối hợp với hai bên gia đình gặp gỡ để giải quyết sự việc. Mâu thuẫn của hai em bắt đầu từ ngày 22/8- khi gặp mặt, trêu đùa nhau trên đường, dẫn đến xích mích.

Trong hai sự việc trên, đối tượng chịu bạo lực và đối tượng có hành vi bạo lực đều là học sinh. Địa điểm xảy ra bạo lực là ngoài trường học nhưng khi đó, các em còn mặc đồng phục của nhà trường. Đáng lưu ý, có một nhóm người, thậm chí có cả cha mẹ, người thân của học sinh cũng hùa vào cùng tham gia hành vi bạo lực nên đã đẩy sự việc đi xa hơn, trở nên nghiêm trọng hơn.

Tích cực giáo dục kỹ năng cho học sinh

Trong cuộc gặp gỡ giáo viên cả nước diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn nhìn nhận: BLHĐ là vấn đề nhức nhối, là chuyện không vui của ngành giáo dục. BLHĐ vẫn diễn ra, thậm chí có biểu hiện khác so với BLHĐ trước đây, đó là số học sinh nữ tham gia BLHĐ có xu hướng nhiều lên. Các vụ bạo lực này có mô típ giống nhau, thường là một nhóm học sinh nữ có hành vi bạo lực, quay clip rồi tung lên mạng…

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa tích cực tham gia hoạt động tăng cường kỹ năng sống (Ảnh: FBNT)
Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa tích cực tham gia hoạt động tăng cường kỹ năng sống (Ảnh: FBNT).

Hình thức, tính chất các vụ BLHĐ có diễn biến phức tạp nên người làm giáo dục cần quan tâm tìm giải pháp. Để giải quyết vấn nạn BLHĐ phải có giải pháp tổng thể, là trách nhiệm của nhiều người, nhưng trước tiên là người đứng đầu cơ sở giáo dục, trong đó có vai trò của hiệu trưởng.

“Qua phân tích, học sinh mắc BLHĐ có đến hơn 70% có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, bố mẹ có hành vi bạo lực lẫn nhau hoặc có hành vi bạo lực con cái; từ đó dẫn đến các em có dấu hiệu bị trầm cảm và có ý nghĩ bạo lực”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích.

Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là sự kết hợp, phối hợp giữa gia đình - nhà trường. Nhà trường cần sớm nắm bắt về hoàn cảnh, tâm lý học sinh để chủ động phòng ngừa và giải quyết tận gốc vấn đề.

Các trường học phải làm tốt công tác giáo dục kỹ năng sống để học sinh biết cách tự xử lý vấn đề của mình, không có tâm lý trông chờ người khác vì cuộc sống sau này có nhiều tình huống phát sinh đòi hỏi các em phải tự xử lý, giải quyết.

“Ngoài ra, các nhà trường cần tăng cường công tác giáo dục kỹ năng, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; đưa tâm lý học vào nhà trường. Cần trang bị cho các em kỹ năng xử lý vấn đề khi tham gia mạng xã hội để các em có nhận thức, có chính kiến và lựa chọn cách hành động đúng. Các nhà trường cũng chú trọng hơn đến công tác tư vấn tâm lý; nêu cao vai trò, kỹ năng xử lý vấn đề của giáo viên; phát triển văn hóa học đường, xây dựng các trường học văn hóa, hạnh phúc”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm hơn 30 năm giảng dạy và làm quản lý tại các cơ sở giáo dục Hà Nội, nhà giáo Trần Anh đồng quan điểm cho rằng, một cá nhân không giải quyết được BLHĐ mà cả xã hội phải chung tay, vào cuộc. Trong phạm vi nhà trường, thầy cô cần tinh ý phát hiện vấn đề của học sinh, có cách thức tư vấn, giáo dục kỹ năng mềm cho các em; từ đó hạn chế thấp nhất các vụ BLHĐ...