Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vấn đề hạt nhân của Iran: Tình trong như đã, mặt ngoài còn e

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dấu hiệu mới đây nhất về triển vọng sáng sủa cho tương lai của thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) đến trực tiếp từ hai bên quan trọng và quyết định nhất của thoả thuận này là Iran và Mỹ.

 Ảnh minh họa
Sự thay đổi chính quyền ở Mỹ ngày 20/1 vừa qua mở ra cơ hội cho triển vọng ấy. Không như đối với Trung Quốc, tân tổng thống Mỹ Joe Biden và cộng sự không có ý định kế thừa và tiếp nối đường lối chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với Iran. Chính quyền ấy đã đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA. Ông Biden sẽ đưa nước Mỹ tham gia trở lại JCPOA nhưng không phải ngay lập tức mà sẽ vào thời điểm nào đó sau này và không phải vô điều kiện mà chỉ sẽ sau khi phía Iran đáp ứng một số điều kiện nào đấy mới nhưng không phải khó đến mức phía Iran không thể chấp nhận được.
Hiện tại, chính quyền của ông Biden và phía Iran cho thấy đã có được nhận thức chung là JCPOA sẽ tiếp tục được thực hiện hoặc trên nền tảng là thoả thuận này, hai bên sẽ thương thảo thoả thuận mới. Họ ở trong tình trạng đúng như câu "tình trong như đã" nhưng "mặt ngoài còn e" vì nguyên do thể diện. Đối với cả Mỹ lẫn Iran, chuyện giữ thể diện bây giờ quan trọng và quyết định nhất. Hai phía phải tìm cách và chọn thời để đi vào đối thoại với nhau sao cho không gặp khó khăn, trở ngại và chống phá trong nội bộ bởi bị coi là tổn hại thể diện và yếu thế so với phía bên kia. Vì bên nào cũng muốn bên kia đi bước trước nên giải pháp chỉ có thể là cả hai phía đều cùng bước, mà muốn được như vậy thì cả hai đều vừa phải thể hiện thiện chí và vừa phải chấp nhận sự trung gian hòa giải của bên thứ ba nào đấy. Những diễn biến mới đây nhất theo hướng này là việc Iran nêu ra ý tưởng đề nghị EU đảm trách vai trò trung gian hòa giải giữa Iran và Mỹ, cũng như việc Mỹ rút tàu sân bay USS Nimitz ra khỏi khu vực vùng Vịnh.