Bảo tồn di sản, phát huy văn hóa
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội là một trong những trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, nổi bật với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng và độc đáo, được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử.
Hiện Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa. Trong 70 năm qua, nhất là từ khi mở rộng địa giới Thủ đô đến nay, sự nghiệp quản lý bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Hà Nội đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Một trong những thành tựu nổi bật là nhận thức của các cấp các ngành và Nhân dân đối với sự nghiệp bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô đã được nâng cao; công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa từng bước đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP...
Dưới góc nhìn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến đề xuất tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân về công nghiệp văn hóa, Luật Thủ đô sửa đổi, Luật Di sản văn hóa sửa đổi; đồng thời đề nghị TP chỉ đạo rà soát, lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh các di sản văn hóa Thủ đô. Về phía nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ khối quản lý Nhà nước, khối sự nghiệp về di sản văn hóa các cấp cần phải được chuẩn hóa theo chức danh vị trí việc làm; tiếp tục chọn lọc, sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học về di sản văn hóa và có cơ chế chính sách đặc thù…
Trình bày báo cáo về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: để phát triển văn hóa bền vững, nền tảng cốt lõi phải bắt đầu từ giáo dục – nơi xây dựng tư duy, nhận thức và phẩm chất của mỗi cá nhân về giá trị văn hóa.
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô Hà Nội là một quá trình liên tục và phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức văn hóa và cộng đồng dân cư. Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình giáo dục văn hóa ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh,và hiện đại; trong đó, có những chiến dịch giáo dục ứng xử văn hóa công cộng, xây dựng ý thức cộng đồng và duy trì các giá trị đạo đức truyền thống.
Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, để bảo tồn và phát triển văn hóa bền vững, cần đẩy mạnh giáo dục văn hóa trong hệ thống giáo dục, tập trung vào việc xây dựng những phẩm chất văn minh, hiện đại và giữ gìn bản sắc truyền thống của người Hà Nội. Đồng thời, tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục văn hóa nghệ thuật; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực văn hóa; thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức văn hóa trong quá trình đào tạo;…
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam còn cho rằng, các trường đại học, cơ sở đào tạo cần trang bị cho sinh viên hiểu rõ nguồn gốc và những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam trước khi dạy về kỹ năng khai thác giá trị văn hóa vào năm học cuối.
Thúc đẩy giáo dục sáng tạo và hội nhập quốc tế
Đề cập đến công tác giáo dục, PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết: Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có ý nghĩa đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT, có tác động sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân. Đây là Nghị quyết toàn diện với nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mới mẻ có tính đột phá nhằm chấn hưng nền giáo dục nước nhà, được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, bên cạnh những thành tựu đạt được, GD&ĐT Việt Nam vẫn tồn tại không ít hạn chế cần phải giải quyết, khắc phục để thực hiện chủ trương “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. GD&ĐT cần chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thư tư; đồng thời phải là nhân tố then chốt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Cùng việc thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng, GD&ĐT đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp; đó là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non; thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng…cho học sinh.
“Các cấp lãnh đạo, toàn bộ hệ thống chính trị, người dân phải nhận thức sâu sắc và quyết liệt hành động để hiện thực hóa quan điểm “GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội”. Phát triển GD&ĐT phải đặc biệt được coi trọng, đầu tư trong hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, PGS.TS Lê Huy Hoàng nhấn mạnh.
Đi sâu nghiên cứu về giáo dục sáng tạo, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học và giáo dục Việt Nam chia sẻ: phát triển giáo dục sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng TP sáng tạo. Từ cơ sở tổng kết một số bài học kinh nghiệm về giáo dục sáng tạo tại một số TP sáng tạo lĩnh vực thiết kế ở Australia, Singapore, Nhật Bản, bà đề xuất một số giải pháp để gợi mở cho giáo dục sáng tạo Hà Nội trong chiến lược xây dựng TP sáng tạo.
Theo đó, để có được năng lực sáng tạo, con người cần có kiến thức, kỹ năng sáng tạo, và đặc biệt là thái độ tôn trọng, cảm xúc và động lực sáng tạo. Căn cứ vào đó, giáo dục sáng tạo phải tạo ra hệ sinh thái tác động vào các thành tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ, xúc cảm, động cơ,…
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, Hà Nội có thể thực hiện 5 giải pháp để sớm trở thành TP sáng tạo, gồm: nâng cao nhận thức về sáng tạo, trang bị kiến thức về thiết kế sáng tạo; học sinh được thực hành kỹ năng thiết kế sáng tạo; truyền thông, tạo động lực, giáo dục thái độ tôn trọng sáng tạo, yêu thích thiết kế, cải tiến sản phẩm; tổ chức cuộc thi ý tưởng thiết kế, các triển lãm ý tưởng thiết kế đối với người tham gia là học sinh, sinh viên phổ thông;xây dựng mạng lưới của các nhà thiết kế sáng tạo ở trường/cụm phổ thông liên kết với các hội nghề nghiệp, tổ chức, cá nhân uy tín.
Cùng chủ đề về giáo dục, PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt vấn đề về mô hình trường học thông minh dựa trên hệ sinh thái giáo dục số và định hướng phát triển cho Thủ đô; còn TS Nguyễn Vĩnh Sơn, Tổng Hiệu trưởng Trường quốc tế Wellspring chia sẻ về giáo dục Hà Nội trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế.
Với nhiều cách đặt vấn đề các nhau, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã mang đến cái nhìn toàn diện về giáo dục, văn hóa Thủ đô trong hành trình 70 qua; đồng thời đóng góp nhiều ý tưởng, giải pháp để thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục Hà Nội trong thời gian tới.
Tại phiên chuyên đề “Lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển Thủ đô”, hội thảo đã nghe một số báo cáo sâu sắc và giàu giá trị thực tiễn, như: Hà Nội thúc đẩy và liên kết phát triển kinh tế vùng trong cả nước; Quy hoạch và quản lý phát triển thành phố Hà Nội: Thực trạng và định hướng phát triển; Đại học Đông Dương với công cuộc hiện đại hóa Hà Nội đầu thế kỷ XX: nhìn từ vị trí Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và nhiệm vụ đào tạo trí thức trình độ cao; Tác động của Luật Thủ đô 2024 đến chiến lược phát triển của giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô và Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Đưa "Hà Nội học" từ ý tưởng đến hiện thực góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.