Di tích gồm 6 địa điểm được khoanh vùng bảo vệ, cụ thể: Địa điểm Long Thạnh, hay còn gọi là Gò Ma Vương (thuộc thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh); địa điểm Phú Khương (thuộc thôn Phú Long, xã Phổ Khánh); địa điểm Thạnh Đức (thuộc thôn Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh); quần thể di tích Chăm pa gồm: Tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Chăm pa, bia ký Vũng Bàng, hệ thống giếng Chăm pa gồm 12 giếng, con đường xếp đá cổ, hệ thống mương dẫn nước cổ; địa điểm Đầm An Khê và lạch An Khê – sông Cửa Lỗ thuộc xã Phổ Khánh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, trong thời gian tới, để đưa di tích Văn hóa Sa Huỳnh trở thành Di sản văn hóa thế giới, tỉnh Quảng Ngãi cần triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản Văn hóa Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch.
Trong đó, ưu tiên việc nghiên cứu, khảo cổ các điểm mới nhằm tiếp tục phát hiện những dấu tích của Văn hóa Sa Huỳnh đang còn chìm dưới lòng đất. Đồng thời, cần đầu tư nâng cấp Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh thành Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh.
Văn hóa Sa Huỳnh nằm trong vùng duyên hải ven biển và hải đảo - là những vùng du lịch nổi tiếng của Việt Nam, do đó có điều kiện để phát huy giá trị trong du lịch, quảng bá văn hóa.
Đáng chú ý, những di vật của văn hóa Sa Huỳnh rất độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao. Vì vậy cần được đầu tư, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên vô giá này, đưa di tích Văn hóa Sa Huỳnh thành điểm đến của du lịch mang tầm khu vực và quốc tế.
“Đặc biệt quan tâm đến việc quản lý, bảo tồn và phát huy di tích Văn hóa Sa Huỳnh; giữ gìn và phát huy các giá trị xung quanh khu vực đầm An Khê về tri thức dân gian, về ẩm thực, nghề truyền thống đúng với bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương, tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới” - ông Liêm nhấn mạnh.
Theo ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, di tích Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đặc biệt của di tích.
“Để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những giá trị của di tích, thu hút khách tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, tôi kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi hãy chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Văn hóa Sa Huỳnh, để di tích này mãi mãi là niềm tự hào, là tài nguyên quý báu của Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi” - ông Tuấn bày tỏ.
Quảng Ngãi là “cái nôi” của Văn hoá Sa Huỳnh với hàng loạt di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh đã được nghiên cứu như: Long Thạch, Bình Châu, Gò Văng, Núi Sứa, Gò Quách, Gò Quê, Tịnh Thọ, Xuân Phổ, Gò Kim, Xóm Ốc, Suối Chình…
Nói đến Văn hóa Sa Huỳnh, người ta nghĩ đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao được dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia; những đồ trang sức bằng thuỷ tinh, bằng mã não rất độc đáo; những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm, những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò… được trang trí hoa văn đẹp và tinh xảo.