Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đất nước thêm một mùa Xuân - Xuân Nhâm Dần 2022 với tâm thế vững vàng, tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Không chỉ mỗi người, mỗi nhà mà dường như cả đất nước, dân tộc đều bước vào mùa Xuân mới với niềm tin, tâm thế mới và quyết tâm cao để vượt qua khó khăn, xây đắp những thành tựu mới ở tất cả các mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa.

Những nỗ lực vượt khó, khởi đầu mới từ năm 2021 - năm đặc biệt, mở đầu một giai đoạn phát triển 5 năm, thực sự đang lan tỏa, thúc giục, tiếp sức, tạo đà cho đất nước vững vàng bước vào năm mới. Chúng ta đã khép lại một năm đầy dấu ấn, tiếp tục khẳng định bản lĩnh và sức mạnh của tinh thần Việt.

Với việc tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã định ra những nghị quyết, chủ trương, định hướng lớn, đồng thời kiện toàn bộ máy với những con người đủ phẩm chất và năng lực để lãnh đạo đất nước trong một nhiệm kỳ mới. Thành công còn bởi một năm hội nhập hiệu quả, mạnh mẽ, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ…

Cùng với đó, cả nước đã vượt qua những thử thách không hề nhỏ từ đại dịch Covid -19 bởi trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh đoàn kết của toàn bộ hệ thống chính trị cùng với niềm tin kiên định của mỗi người dân. Đến thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng với tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân ở mức cao so với thế giới, chúng ta đã có cơ sở vững chắc chuyển mục tiêu từ "không Covid-19" sang thiết lập chiến lược lâu dài để thích ứng an toàn, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Và trên hết, giữa cuộc chiến cam go chống Covid-19, việc Đảng và Nhà nước tổ chức một “hội nghị Diên hồng về văn hóa” cũng đặt thêm dấu ấn mới trong khơi nguồn sức mạnh nội sinh, thúc đẩy thêm niềm tin, mở ra bước ngoặt mới trong chấn hưng và phát triển văn hóa...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước đón đầu của văn hóa - ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến những thắng lợi: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn cũng cho thấy, văn hóa có vai trò định hướng tư tưởng, văn hóa gắn liền với xây dựng con người mới và là động lực phát triển của xã hội. Bức tranh tổng thể của văn hóa sau gần 40 năm đổi mới đang thêm những sắc thái mới, đa dạng và năng động hơn. Các sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đáp ứng yêu cầu mới của xã hội.

Văn hóa chính trị được khẳng định; văn hóa kinh tế đã định hình; công nghiệp văn hóa đã và đang tạo ra những giá trị đong đếm được… Ngay trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, sức mạnh của văn hóa, tinh thần Việt đã thể hiện rõ trong mỗi quyết sách, hành động và tinh thần “sức khỏe người dân là trên hết”.

Nhưng “bức tranh văn hóa” trong những năm vừa qua cũng để lại những mảng màu kém tươi sáng. Thấy rõ nhất là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân. Bên cạnh đó, có lúc, có nơi chưa đánh giá đúng vai trò “soi đường” của văn hóa; chưa quan tâm tương xứng so với kinh tế.

Chính việc nhìn nhận rõ thực tại, làm thế nào để phát huy sứ mệnh “soi đường” trong một giai đoạn mới, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số… là những vấn đề được tập trung tìm lời giải.

Khởi nguồn từ những quyết sách, mục tiêu sẽ tạo ra những cách làm mới để thúc đẩy văn hóa phát triển, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, tạo ra những giá trị con người mới - chủ thể sáng tạo văn hóa đồng thời là khách thể tiếp nhận văn hóa. Bởi sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa.

Cùng với cả nước, Hà Nội cũng đang hướng đến những chặng đường mới trong phát triển văn hóa; xác định yếu tố phát triển văn hóa, con người chính là nguồn lực nội sinh quan trọng và đột phá để phát triển bền vững. Với nền văn hiến lâu đời, truyền thống văn hoá tiêu biểu, việc phát triển văn hóa không chỉ được chú trọng ở khơi dậy giá trị về di sản, mà còn được thể hiện rõ ở việc xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch; phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa…

Một mùa Xuân mới lại đến, mùa Xuân của niềm tin, hy vọng mới. Chặng đường phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thử thách nhưng chắc chắn rằng, bên cạnh kinh tế, văn hóa trong thời gian tới sẽ thực sự có thêm những thành tựu mới, tạo nên những giá trị tinh hoa nhất, đặc sắc nhất, nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ. Văn hóa chắc chắn sẽ tiếp tục làm tốt “sứ mệnh dẫn đường”.