Tuy nhiên, số liệu mới nhất cho thấy, hiện mới có 9/14 bộ, ngành phải triển khai mới thực hiện kết nối. Trong số đó nhiều bộ, ngành vẫn chưa đạt đủ về số lượng các thủ tục hành chính.
Mới có 30% thủ tục kết nối
Theo Nguyễn Dương Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện cho biết: Sau một năm rưỡi thực hiện, tới thời điểm hiện tại mới có các bộ: Công Thương, KH&CN, GTVT, NN&PTNT, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), TN&MT, TT&TT, VHTT&DL, Y tế thực hiện kết nối. Như vậy mới có gần 30% các thủ tục hành chính kết/tổng số các thủ tục hành chính cấp phép cho hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh. Riêng thủ tục hải quan đã được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử trên phạm vi toàn quốc dựa trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, trừ một số trường hợp đặc thù chiếm không quá 2% tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu.
Bộ được đánh giá triển khai nhiều thủ tục nhất là NN&PTNT, với 8 thủ tục, bao gồm kiểm dịch động, thực vật tại cửa khẩu) đạt khoảng 40% trên số lượng các thủ tục Bộ chủ quản cần đưa lên thực hiện. Bộ GTVT cũng mới chỉ triển khai được thủ tục cho tàu biển đối với 8/25 cảng vụ hàng hải. Trong khi thủ tục cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa vào/rời cảng biển mới được triển khai từ 1/3/2016.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 1/2016, cả nước có 4.537 DN tham gia NSW với 40.969 hồ sơ được giải quyết. Tuy nhiên, việc thực hiện NSW còn khiêm tốn, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Mức độ sẵn sàng đang là trở lực
Để tiếp tục triển khai NSW theo Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 36a/2015/NQ-CP về Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai NSW giai đoạn 2016 – 2020.
Trên thực tế, từ tháng 9/2015, NSW đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN; sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực trong năm 2016. Và theo lộ trình chung của ASEAN, đến 2017, chính thức thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi một số chứng từ điện tử bên cạnh chứng nhận xuất xứ hàng hóa với các nước thành viên đã sẵn sàng.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ, ngành liên quan đang triển khai mở rộng NSW tại cảng biển Khánh Hòa và Bình Định, Quảng Ngãi. Trước đó, từ tháng 11/2014, NSW tại cảng biển đã được thực hiện thí điểm tại cảng Hải Phòng và từ tháng 5/2015 đã mở rộng ra 5 cảng biển lớn gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tổng cục Hải quan phấn đấu trong năm 2016 có 70% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tối thiểu ở mức độ 3, đặc biệt có 50% dịch vụ công cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Đến năm 2017 có 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tối thiểu ở mức độ 3, đặc biệt có 70% dịch vụ công cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4…
Đây là những mục tiêu được cho là tham vọng trong bối cảnh mức độ sẵn sàng của các bộ, ngành cũng như DN chưa cao. Nếu vẫn duy trì ở mức triển khai như hiện nay, đã có không ít người băn khoăn trước việc không thực hiện được đúng lộ trình đặt ra.