KTĐT - Việc các doanh nghiệp gấp rút hoàn thành đơn đặt hàng xuất khẩu từ cuối năm 2009, cộng với việc số lao động nghỉ Tết sớm đang khiến cho “cầu” lao động phổ thông tăng mạnh.
Đến hẹn lại lên, khoảng thời gian cận và sau Tết Âm lịch hàng năm được coi là thời điểm khan hiếm lao động phổ thông mà nhiều doanh nghiệp may mặc, giày da... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải.
Thời điểm đầu năm 2010 cũng không là ngoại lệ, việc các doanh nghiệp gấp rút hoàn thành đơn đặt hàng xuất khẩu từ cuối năm 2009, cộng với việc số lao động nghỉ Tết sớm đang khiến cho “cầu” lao động phổ thông tăng mạnh.
Báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh khi khảo sát 27.000 doanh nghiệp về thực trạng sử dụng lao động cho biết đầu năm 2010, nhu cầu lao động loại này đang có xu hướng tăng mạnh.
Trong đó, ngành dệt may, giày da có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nhất, chiếm tỷ lệ gần 19%. Sở dĩ như vậy là do các doanh nghiệp muốn chủ động hơn trong việc ổn định phát triển sản xuất-kinh doanh sau Tết nhằm tránh tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng thời gian này.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết dự kiến năm 2010, thành phố có nhu cầu lao động khoảng 280.000 người, với xu hướng phát triển theo cơ cấu những nhóm ngành nghề chính như du lịch, nhà hàng, điện tử, xây dựng, may, dệt, giày da, thủ công mỹ nghệ…
Từ đó, cơ cấu phân bố nghề trong năm nay có chỉ số cung ứng lao động với trình độ trên đại học và sau đại học chiếm hơn 8%; cao đẳng chuyên nghiệp, cao đẳng nghề hơn 5%; trung cấp chuyên nghiệp-trung cấp nghề hơn 10%; công nhân kỹ thuật lành nghề hơn 30%; còn lại là sơ cấp nghề và đội ngũ lao động chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ trên 45%.
Mặt khác, thực tế nhu cầu tìm việc làm thời vụ để có kinh nghiệm sau khi ra trường của sinh viên trong những tháng cuối năm 2009 cho thấy bước sang năm 2010, nguồn cung về lao động có trình độ cao cũng sẽ tăng.
Nguồn cung này chủ yếu là số sinh viên, học sinh mới tốt nghiệp ra trường và một số khác là từ nguồn lao động đang có việc làm muốn tìm việc khác có điều kiện tốt hơn, đặc biệt là lao động có tay nghề và có trình độ cao trong các nhóm ngành nghề xây dựng-kiến trúc, công nghệ thông tin, tài chính và các nhóm ngành liên quan đến quản lý-điều hành…
Thực trạng đó khiến cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi muốn tìm việc, tìm người phù hợp với khả năng của người lao động và phù hợp với mục tiêu kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Song, theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm các khu công nghiệp, khu chế xuất (Hepza) Thành phố Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề tuyển dụng lao động phổ thông vì đa phần công nhân bị mất việc hồi đầu năm 2009 như ngành dệt may, da giày, điện tử... đã về quê và ổn định cuộc sống.
Do đó, muốn thu hút lực lượng này, doanh nghiệp phải trả lương cao hơn trước nhiều, để phù hợp với mức sống hiện tại. Ngoài ra, lo lắng về tính chất tạm bợ của công việc trong và sau dịp Tết cũng khiến người lao động e ngại quay lại thành phố làm việc./.