Vẫn khó khăn về mặt bằng và vật liệu đắp nền

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bài toán mặt bằng sạch và vật liệu đắp nền vẫn đang là một thách thức tiềm tàng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Nếu không giải quyết triệt để hai vấn đề trên, tiến độ các dự án chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến ngày 18/1/2023, các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đi qua đã bàn giao GPMB được 549/721,2km đạt 76%, đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng vào quý II/2023.

Trên thực tế, ngay sau khi 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đồng loạt khởi công, các nhà thầu đã lập tức huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân lực để “vào việc” ngay. Tuy nhiên, điều đáng nói là cho dù có đủ nhân lực, vật lực và cả quyết tâm cao nhưng nếu không có mặt bằng sạch để thi công thì các nhà thầu có muốn đua tiến độ cũng không thể làm được bởi “có bột mới gột nên hồ”.

Việc nhiều địa phương chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng sạch, hoặc bàn giao một cách nhỏ giọt khiến các nhà thầu buộc phải thay đổi phương thức làm việc. Thay vì thi công ồ ạt trên diện rộng (nếu được bàn giao đầy đủ mặt bằng sạch), các nhà thầu chuyển sang thi công tranh thủ. Tức là cứ khi địa phương bàn giao được phần mặt bằng sạch nào, nhà thầu sẽ lập tức thi công. Cách làm theo kiểu cuốn chiếu này đang phát huy được hiệu quả, song đây chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Còn về lâu dài, nếu muốn các dự án đẩy nhanh được tiến độ trên công trường thì công tác bàn giao mặt bằng sạch của các địa phương phải đẩy nhanh hơn nữa. Tín hiệu đáng mừng là hiện các địa phương đều đang vào cuộc với cam kết sẽ bàn giao đầy đủ mặt bằng sạch trong quý II/2023.

Cùng với vấn đề mặt bằng sạch phục vụ thi công, vấn đề thiếu vật liệu, đặc biệt vật liệu đắp nền đang là một nỗi lo lớn của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT, những bộ, ngành liên quan và các địa phương nằm trong phạm vi vùng dự án đã có rất nhiều giải pháp để tháo gỡ vấn đề thiếu vật liệu đắp nền, song thực tế đến nay đây vẫn sẽ là nỗi lo thường trực lớn nhất của cao tốc Bắc - Nam. Đặc biệt đối với các dự án thành phần ở khu vực phía Nam như cao tốc Phan Thiết - Giầu Dây, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, nỗi lo này càng trở nên lớn hơn.

Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu cát đắp cho 4 dự án cao tốc khoảng 47 triệu m3, song nguồn cát đắp không nằm ở các địa phương có dự án đi qua mà tập trung ở An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long.

Điển hình là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tổng nhu cầu vật liệu cát của dự án lên đến 18.500.000m3, nhưng đến nay mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1.100.000m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác.

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết, khó khăn lớn nhất đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hiện nay là hầu hết những mỏ cát sử dụng cho dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công (61/80 mỏ).

Đơn cử tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, có 5 mỏ đất đắp với trữ lượng khoảng 300.000m3 trong diện phải gia hạn khai thác. Thế nhưng, dù thủ tục gia hạn đã được hoàn thành nhưng vẫn phải chờ cấp có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Để giải quyết vấn đề này, việc nghiên cứu tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cho nguồn cát sông đang rất khan hiếm cho các dự án đường cao tốc tại khu vực ĐBSCL là rất cấp bách. Nếu không sớm tìm nguồn vật liệu thay thế có nguồn cung lớn, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các dự án trọng điểm quốc gia.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã làm việc với UBND các tỉnh trong vùng để rà soát, đánh giá lại trữ lượng mỏ cát hiện có, xác định nhu cầu sử dụng cho các dự án; phối hợp với bộ, ngành liên quan để mở thêm mỏ mới, trong đó nghiên cứu phương án khai thác tại cồn cát để đảm bảo nguồn cát đắp nền cho dự án.

Bộ GTVT đang triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL, trên cơ sở kết quả theo dõi sẽ đánh giá khả năng áp dụng cát biển để đắp nền đường để xem xét quyết định việc áp dụng, tiến độ triển khai dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Nếu như cát biển đủ tiêu chuẩn để làm vật liệu đắp nền, bài toán vật liệu ở cao tốc Bắc - Nam sẽ có lời giải khi mà theo ước tính, nguồn cát biển tại khu vực ĐBSCL có thể khai thác phục vụ giao thông lên tới 15 tỷ m3.

 

"Việc dùng cát biển cho dự án giao thông là bình thường, tuy nhiên quá trình này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là nghiên cứu về đánh giá tác động môi trường. Khi dẫn nguồn cát biển vào khu vực bồi rửa, sàng lọc cần các tàu lớn, tàu chuyên dụng để khai thác, do đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực canh tác, nuôi trồng của người dân xung quanh." - Chuyên gia Nguyễn Tuấn Dũng - Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần