Vận may của ông Biden: Nữ Bộ trưởng nắm giữ tương lai nước Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Joe Biden đã giao Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nhiệm vụ đưa Mỹ dẫn đầu thế giới về chất bán dẫn. Và theo AP, vị thế cường quốc kinh tế - quân sự của Mỹ, cũng như "vận may chính trị" của ông Biden, phụ thuộc lớn vào thành tích của bà Raimondo.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: AP 
Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đương nhiệm Gina Raimondo từng chia sẻ rằng bà chỉ đeo đồng hồ do hãng Bulova sản xuất - một công ty đã sa thải người cha là nhà khoa học của bà và đóng cửa nhà máy ở Rhode Island (Mỹ) để chuyển sản xuất sang Trung Quốc vào năm 1983.

Chiếc đồng hồ được cho luôn nhắc nhở bà Raimondo - cựu Thống đốc Rhode Island - ý thức về trách nhiệm cần tập trung thúc đẩy lao động tại các nhà máy tiên tiến của Mỹ. "Đó là một sự tôn vinh đối với cha tôi và cũng là một lời nhắc nhở với tôi rằng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để có được những công việc sản xuất tốt tại Mỹ", lãnh đạo phụ trách lĩnh vực công nghệ trên thực tế của chính quyền Biden.

Chất bán dẫn/chip máy tính đã trở thành thành phần thiết yếu cho ô tô, thiết bị y tế, điện thoại, đồ chơi, máy giặt và vũ khí. Nhưng tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đang kéo giảm tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát. Nếu không có chip máy tính - đóng vai trò là công tắc cho nền kinh tế ngày nay - Mỹ được dự báo có thể bị bỏ lại sau bởi Trung Quốc và các quốc gia khác đang hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của họ.
Bà Raimondo dự đoán, tình trạng thiếu chip máy tính sẽ kéo dài sang năm tới và sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định. Một báo cáo của Nhà Trắng hồi tháng 9 vừa qua lưu ý rằng sự thiếu hụt có thể làm giảm hoàn toàn tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay.
Theo Reuters, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đang buộc các nhà sản xuất ô tô phải cắt giảm sản lượng. Tại Mỹ, sản lượng sản xuất giảm 0,7% trong tháng 9 vừa qua, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2 năm nay. Đặc biệt, sản lượng tại các nhà máy ô tô giảm 7,2% sau khi giảm 3,2% trong tháng 8. Tình trạng thiếu xe có động cơ đã góp phần làm tăng lạm phát tại Mỹ trong tháng 9 do giá thành cao và doanh số bán lẻ tăng. Tình trạng khan hiếm ô tô cũng làm nản lòng những nỗ lực tái thiết hàng tồn kho.

"Đại dịch chỉ là một phần nguyên nhân. Quan điểm của chúng tôi là điều này đã xảy ra từ lâu", Revathi Advaithi, người thường xuyên trao đổi với Bộ trưởng Raimondo với tư cách là Giám đốc điều hành của Flex - một trong những nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới.

Mỹ từng chiếm 40% sản lượng chip trên toàn cầu, nhưng bây giờ chỉ là 12%. Chi phí sản xuất chip ở Mỹ cao hơn 30% so với Đài Loan và Hàn Quốc. Một nhà sản xuất chip phải chi hàng chục triệu USD cho một nguyên mẫu trước khi có được bất kỳ doanh thu nào - một rào cản với các công ty khởi nghiệp.

"Một rủi ro mang tính an ninh quốc gia là chúng ta đang không thể sản xuất bất kỳ chất bán dẫn tiên tiến nào ở Mỹ, không sản xuất đủ tấm pin mặt trời cũng như những loại pin quan trọng ở Mỹ. Điều này khiến nước Mỹ dễ bị tổn thương, không chỉ về mặt kinh tế", Bộ trưởng Raimondo nói, đồng thời hứa hẹn: "Nếu chúng ta làm đúng điều mà tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được, 10 năm nữa, bạn sẽ thấy một ngành công nghiệp sản xuất sôi động hơn và lớn hơn tại Mỹ".

Để chấm dứt tình trạng thiếu hụt, Bộ trưởng Raimondo, 50 tuổi, sẽ phải khôi phục hoạt động sản xuất chip cũng như các tấm pin năng lượng mặt trời - lĩnh vực được cho sẽ là chìa khóa cho "sự thịnh vượng" của nước Mỹ.

Điều này, theo AP, đồng nghĩa với việc phải tham khảo ý kiến ​​của các giám đốc điều hành ngành bán dẫn gần như mỗi ngày; theo dõi dữ liệu về việc ngừng hoạt động của các nhà máy ở châu Á; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ bổ sung hơn nữa của Chính phủ cho ngành này.

Nhiệm kỳ của bà Raimondo tại Bộ Thương mại Mỹ cũng vì vậy mà được kỳ vọng hơn nhiều so với những người tiền nhiệm. Chẳng hạn, cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dưới thời Tổng thống Donald Trump luôn được giới thiệu là "một nhà đàm phán sát thủ", nhưng ông lại tỏ ra lạc lõng trong các cuộc chiến thuế quan của Washington.

Các đồng minh chính trị đã ghi nhận tham vọng của riêng bà Raimondo, đồng thời đánh giá Bộ Thương mại có thể là bàn đạp cho một đảng Dân chủ được định hình bởi ngày càng nhiều phụ nữ có trình độ đại học.

Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain từng đưa ra nhận xét về bà Gina Raimondo: "Bà ấy là một người, giống như Tổng thống Biden, hiểu rõ nỗi đau mất việc đối với một gia đình và chưa bao giờ quên mình đến từ đâu và tác động thực sự của các chính sách kinh tế cũng như thương mại đối với người dân".
Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh cùng bà Raimondo. Ảnh: Twitter @GinaRaimondo
Rhode Island từng vẫn là một bang sản xuất khi bà Raimondo rời khỏi đó để đi học đại học vào năm 1989. Hơn 20% công việc của bang lúc bấy giờ là trong lĩnh vực sản xuất, nhưng con số hiện chỉ còn 8% - theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Câu chuyện của Rhode Island được cho là một mô hình thu nhỏ của nền kinh tế Mỹ - nền kinh tế xuất hiện từ Thế chiến II với các hoạt động sản xuất vẫn còn được giữ vững cho đến ngày nay. Tuy nhiên, mức lương thấp hơn ở nước ngoài đã loại bỏ các công việc tại nhà máy, trong khi nền kinh tế được định hướng lại cho những thạc sĩ đại học và lao động kỷ nguyên số.

Những đứa con thông minh nhất hoặc may mắn nhất, của những cựu công nhân luyện thép và thợ làm việc tự động tại Mỹ, nay đều đã có bằng cấp của các trường đại học tốt nhất, và bà Raimondo là một trong số đó. Ủy ban Đạo đức Liên bang tiết lộ tài sản của bà Raimondo hiện lên tới 10 triệu USD.

Trước khi giành được nhiệm kỳ Thống đốc đầu tiên tại Rhode Island vào năm 2014, bà Raimondo đã thực hiện một số quyết định gây tranh cãi với tư cách là lãnh đạo tài chính của tiểu bang để củng cố quỹ lương hưu cho công nhân đang căng thẳng của Rhode Island.

Điều này đã cản trở công đoàn giáo viên nâng tuổi nghỉ hưu và đình chỉ điều chỉnh nhiều chi phí sinh hoạt. Không ít công đoàn đã phản đối bà Raimondo trong cuộc bầu cử sơ bộ, dù cuối cùng bà đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, thậm chí tái đắc cử vào năm 2018.

Giờ đây, với kinh nghiệm trong việc phân tích các con số để giải thích các chính sách, bà Raimondo đã góp công đáng kể trong việc thúc đẩy thỏa thuận cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden, giải quyết các nguồn cung bị tắc nghẽn và thúc đẩy Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỷ USD nhằm tăng cường sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn.

Mỹ hiện cần một mạng lưới đa dạng các nhà sản xuất gần nhà hơn để tránh việc gián đoạn hạot động và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nền kinh tế số 1 thế giới cũng cần có "két dự phòng" giúp các nhà máy dễ dàng khởi động lại sau khi đóng cửa, đồng nghĩa với việc sẽ cần nhiều lao động sản xuất công nghệ cao hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần