70 năm giải phóng Thủ đô

Vẫn ngóng lãi suất vay giảm thêm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đang có những kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn đang đối mặt nhiều thách thức, cũng như đi theo xu hướng chung của các ngân hàng T.Ư trong khu vực về việc cắt giảm lãi suất.

Nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu hành động

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm 0,5% lãi suất USD, mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) hạ lãi suất các khoản vay trung hạn (MLF) cho các ngân hàng thương mại, từ 2,3% xuống 2%. Ngân hàng T.Ư Indonesia (BI) cũng cắt giảm lãi suất chuẩn lần đầu tiên sau hơn 3 năm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Ngân hàng T.Ư Philippines (BSP) giảm lãi suất 0,25% xuống còn 6,25%, bất chấp áp lực lạm phát tăng trở lại… Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) đã 2 lần cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục trong năm nay và thị trường dự đoán ngân hàng này sẽ đẩy nhanh quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ với hai lần hạ lãi suất vào tháng 10 và tháng 12.

Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, nếu lạm phát năm sau duy trì ở mức 2%, và tăng trưởng kinh tế ở châu Âu vẫn yếu, ECB sẽ không có lý do gì để duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Với Việt Nam, NHNN đã sớm giảm một số loại lãi suất như lãi suất tín phiếu và lãi suất cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO). Cụ thể, 2 loại lãi suất này đã giảm 0,2%, xuống 4,25%/năm từ ngày 5/8. Đến ngày 20/8, lãi suất tín phiếu tiếp tục giảm xuống còn 4,2%/năm. Và ngày 16/9, lãi suất trên OMO lại giảm còn 4%/năm.

Giao dịch tại chi nhánh Agribank Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Giao dịch tại chi nhánh Agribank Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhưng điều thị trường mong đợi hơn là một quyết định giảm lãi suất điều hành, như trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu - vốn được duy trì các mức tương ứng 4,75%, 4,5% và 3% từ ngày 19/6/2023 đến nay. Giới phân tích cho rằng, chính sách này nếu được thực thi, sẽ là một quyết sách tác động mạnh đến thị trường và phần nào giúp kìm hãm đà tăng lãi suất tiền gửi đã khởi phát từ đầu quý II/2024 đến nay.

Tỷ giá là vấn đề lớn

Tại buổi gặp mặt, trả lời kiến nghị của DN mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ và các tổ chức tín dụng, NHNN muốn giảm lãi suất thấp, cung ứng đầy đủ tín dụng nhưng sứ mệnh của NHNN phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, suy cho cùng cũng vì môi trường kinh doanh của DN.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, lãi suất trong nước phụ thuộc không chỉ vào chính sách của Fed, mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có tỷ lệ lạm phát.

 

Việc NHNN giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của nhà điều hành, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại bảo đảm tốt hơn nguồn vốn cung ứng ra nền kinh tế.

Một trong những lý do là e ngại rủi ro lạm phát vẫn khó lường trước những ảnh hưởng tiêu cực từ bão lũ có thể đẩy giá hàng hóa trong nước leo thang. Ngoài ra, tỷ giá VND/USD đang tăng trở lại, xu hướng giá vàng tăng mạnh gần đây và dự báo còn tăng trong thời gian tới cũng là một biến số sẽ tác động lên kênh tiền gửi ngân hàng.

Áp lực tỷ giá cao, ngay cả thị trường huy động vốn cũng “nóng” hơn. Thống kê cho thấy, từ tháng 4 đến cuối tháng 7, hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ 0,2 - 1%/năm tùy kỳ hạn. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất tiết kiệm nhiều lần, ở nhiều kỳ hạn khác nhau, bao gồm cả các kỳ hạn dài từ trên 6, 12 và trên 12 - 36 tháng - những kỳ hạn có tính tác động đến cấu trúc nguồn vốn và chi phí vốn cho vay trong tương lai. Hiện lãi suất huy động theo niêm yết của các nhà băng hiện cao nhất là 6,15%/năm tại ngân hàng NCB với kỳ hạn từ 18 - 60 tháng. Một số ngân hàng khác đang niêm yết lãi suất huy động từ 6% trở lên.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các nhà băng tăng lãi suất huy động là do áp lực lạm phát tăng, cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt của các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán… Lãi suất đầu vào tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

Chủ tịch Saigon Ratings Phùng Xuân Minh cho rằng, không chỉ do lãi suất huy động đang tăng, mà còn do nợ xấu phát sinh mới cũng không ngừng tăng cao.

“Tôi chưa thấy có yếu tố nào ủng hộ cho khả năng lãi suất giảm thêm. Dù NHNN có nỗ lực giảm lãi suất tín phiếu và lãi suất thị trường mở, song lãi suất liên ngân hàng vẫn cao, lãi suất trên thị trường dân cư cũng tiếp tục tăng” - TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Không chỉ tăng lãi suất huy động, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát hành hơn 155.000 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn. Theo chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu lớn nhằm huy động vốn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng khi kênh tiền gửi tăng trưởng chưa cân xứng với tín dụng.

Khuyến khích giảm lãi suất cho vay, nhất là với lĩnh vực ưu tiên

Cho đến thời điểm này, NHNN chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất điều hành, mà khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tiếp tục tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng... nhờ đó mặt bằng lãi suất cho vay giảm.

Hiện lãi suất cho vay những khoản mới trung bình hiện nay là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm ngoái. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DN nhỏ và vừa, ở mức 4%/năm. “Lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại chấp nhận thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra, chia sẻ khó khăn với DN”- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Các chuyên gia của Ngân hàng UOB nhận định, rủi ro lạm phát và bối cảnh quốc tế hiện tại khiến NHNN có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm hơn vào các cá nhân và DN bị ảnh hưởng, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Do đó, NHNN sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 15% trong năm nay. Tăng trưởng tín dụng sẽ mở rộng đầu tư, từ đó góp phần tăng trưởng nền kinh tế. NHNN đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm các biện pháp từng bước hạ lãi suất cho vay. Gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng cũng sẽ tiếp tục tăng tính ưu đãi, lãi suất giảm bớt, trước đây là 2% thì nay giảm thêm 1% nữa thành 3%, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này.

Mới đây nhất là chỉ đạo hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão…

Lãnh đạo NHNN khẳng định, sau khi thực hiện Luật TCTD mới, đơn vị đã tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay.

NHNN cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay; tập trung dòng tiền vào những lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

 
  1. Kết quả khảo sát của NHNN cho thấy, trong quý IV/2024, các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng rất nhẹ lãi suất huy động và duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp. “Tính chung cả năm, dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,1% và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ 0,09% so với cuối năm ngoái. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV và 7,9% trong cả năm 2024. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 4,8% trong quý IV và 13,2% trong cả năm 2024” - khảo sát của NHNN nêu.