Vận tải hàng hóa khó trăm bề

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng, dầu tăng cao cũng khiến DN vận tải hàng hóa bị dồn vào thế chân tường. Dù rằng những DN này từng đứng vững trước “cơn bão” dịch bệnh Covid-19 trước đó.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong khi các DN vận tải hành khách gần như bị tê liệt, hoạt động vận tải hàng hóa vẫn được duy trì nhờ đặc thù riêng.

Giá xăng, dầu tăng cao khiến nhiều DN vận tải hàng hóa gặp khó khăn. Ảnh: Việt Dũng
Giá xăng, dầu tăng cao khiến nhiều DN vận tải hàng hóa gặp khó khăn. Ảnh: Việt Dũng

Thậm chí, chính trong “cơn bão” dịch bệnh, nhiều DN vận tải hàng hóa còn “ăn nên làm ra” và từng bước lớn mạnh nhờ những chiến lược kinh doanh hợp lý. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh kể từ khi Covid-19 đi qua và cơn bão giá xăng, dầu ập đến.

Theo tính toán của các chuyên gia, giá xăng, dầu hiện nay đã tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và có thể còn tiếp tục tăng khiến các DN vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 35 - 40%, còn các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25%.

Bên cạnh đó, DN còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT. Đây là những áp lực vô cùng lớn mà các DN vận tải hàng hóa đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt.

Bên cạnh đó, giá xăng, dầu tăng kỷ lục như hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến hệ thống vận tải hoạt động logistics.

Theo tính toán, trước kia, mỗi container chỉ có giá hơn 5.000 USD/container thì hiện nay, giá mỗi container tăng gấp đôi, đạt mức 10.000 USD/container. Điều này đã và đang gây sức ép lớn cho ngành vận tải dịch vụ logistics, buộc DN phải cắt giảm mọi chi phí để thích ứng, tồn tại.

Không những thế, với việc chi phí nhiên liệu chiếm tới 40% cước phí vận tải đường bộ, việc điều chỉnh giá xăng, dầu tăng trong thời gian ngắn đã làm tăng 13% cơ cấu chi phí của DN. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên 4 - 5%.

Thậm chí, ngay cả các DN vận tải logistics đường biển vốn trong thời gian qua vẫn chưa tăng cước (một số DN còn giảm cước để thu hút khách hàng) nhưng giới chuyên gia nhận định, nếu giá xăng, dầu vẫn tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay, việc các DN vận tải logistics đường biển phải tăng giá cước là điều khó tránh.

Trước những khó khăn về giá xăng, dầu và sự cạnh tranh từ các loại hình vận tải trá hình khác, các DN vận tải cần năng động hơn, hạch toán lại chi phí hoạt động, điều chỉnh giá vé và đổi mới hình thức hoạt động, mở thêm dịch vụ đón, trả khách tại nhà để tăng khả năng cạnh tranh.

Đó là giải pháp lâu dài, còn trước mắt, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần có giải pháp hỗ trợ các DN vận tải để họ giữ được nguồn lực, duy trì được hoạt động kinh doanh trong cơn “bão giá” xăng, dầu như hiện nay. Một trong những giải pháp có thể tính đến đó là cân đối lại các loại thuế, phí; đa dạng nguồn cung nhằm giúp bình ổn giá xăng, dầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần