Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều địa phương đã giáng thêm một đòn mãnh liệt vào mạng lưới VTHK, cả liên tỉnh lẫn công cộng của Hà Nội. Dù rằng chưa có tuyến VTHK liên tỉnh nào bị buộc dừng hoạt động, xe buýt, taxi vẫn được khai thác nhưng hành khách - nguồn sống của các DN vận tải sụt giảm thê thảm, trong khi nợ nần, chi phí không ngừng tăng.Ghi nhận thực tế cho thấy, tại hầu hết các bến xe lớn, lượng xe khách liên tỉnh còn hoạt động hiện chỉ bằng một nửa so với tháng 4, lượng khách còn chưa đạt được chừng đó. Nhiều bến xe như Yên Nghĩa, Mỹ Đình… đã phải cho nhân viên nghỉ luân phiên, vừa để phòng dịch, vừa để cắt giảm chi phí. Nhiều nhà xe trên các tuyến Hà Nam, Bắc Giang, Hoà Bình, Hải Dương, Hưng Yên… đã thông báo nghỉ dài hạn. Một bộ phận xe khách liên tỉnh còn hoạt động cũng phải đảm bảo giãn cách, chỉ được chở số lượng khách không quá 50% công suất.Anh Trần Tuấn Chỉnh - lái xe tuyến Mỹ Đình - Bắc Giang cho biết: “Tôi vừa bị chủ xe cho tạm nghỉ việc, hỗ trợ một chút chi phí, chưa biết đến khi nào mới được đi làm trở lại”. Nhiều nhân viên lái, phụ xe trên các tuyến liên tỉnh cũng cùng chung cảnh ngộ mà chưa biết phải đối diện với nỗi lo cơm áo như thế nào trong những ngày tới.Các DN vận tải còn chịu áp lực khủng khiếp hơn. Đại diện một DN vận tải khách trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng (xin giấu tên) nói: “Còn khách là còn gắng gượng được, khó khăn mấy cũng có thể khắc phục được. Nhưng bây giờ, sinh viên nghỉ học, người lao động nghỉ làm, dân buôn ế ẩm nghỉ kinh doanh, vận tải biết trông vào đâu mà cầm cự?”. Nhiều DN kinh doanh VTHK đang dần cạn kiệt sức chịu đựng sau bốn đợt bùng phát Covid-19. Kéo theo đó là cả một hệ thống dịch vụ, từ bến bãi cho đến các loại hình trung chuyển như xe buýt, taxi, xe ôm, thậm chí cả quán nước, hàng ăn xung quanh các bến xe cũng lay lắt chưa tìm được lối thoát.Gánh nợ ngày càng nặngLãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, nhiều DN kinh doanh VTHK than thở, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, họ không biết phải làm thế nào. Những ngày qua, tham gia cùng một số chốt kiểm soát dịch bệnh của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã ghi nhận được thực tế bi đát của xe khách liên tỉnh. Tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, có chuyến xuất bến chỉ xe không, thường thường không đạt nổi 50% công suất. Dịp cuối tuần, xe khách từ các tỉnh về Hà Nội, khi dừng cho Thanh tra GTVT kiểm tra, lượng khách chỉ vài người, doanh thu không đủ chi trả tiền xăng dầu, nhân công. Trong khi đó giá xăng dầu liên tục tăng, phí đường bộ không giảm, lệ phí bến bãi vẫn phải nộp đủ. Các DN vận tải đếm từng ngày chờ dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, mỗi ngày qua đi lại đuối sức thêm một phần.Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định, trong khi cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đang tập trung vào chống dịch, các DN vận tải cũng phải chia sẻ khó khăn. Tuy nhiên, hơn một năm qua, bốn đợt dịch bùng phát, thị trường vận tải đã chịu quá nhiều tổn thất.Các DN vận tải khách liên tỉnh đều mong muốn, trong bối cảnh khó khăn cùng cực như hiện nay, Nhà nước nên xem xét, tác động để giảm chi phí cầu đường, bến bãi, bình ổn giá xăng dầu, miến giảm thuế. Đặc biệt, cơ quan quản lý nên tạo một cầu nối giữa DN với các ngân hàng, tổ chức tài chính để cùng tìm ra biện pháp chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua đại dịch.
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Không chạy thì không có doanh thu, mà chạy chỉ hòa hoặc lỗ; xe bán chẳng ai mua trong khi vẫn nợ ngân hàng, DN đang rơi vào tình trạng bối rối cực độ. |