Vắng mặt, giải quyết chia thừa kế thế nào?
Câu hỏi
Gia đình tôi muốn chia thừa kế một mảnh đất mà bố mẹ để lại, nhưng anh trai tôi đang đi trốn nợ, biệt xứ, không rõ tung tích. Vậy chúng tôi có thể giải quyết chia thừa kế tại Tòa án khi vắng mặt anh tôi được không?
Trả lời
Giải quyết phân chia thừa kế là nhu cầu tất yếu của các người thừa kế, khi mà các bên không tự thỏa thuận được, hoặc một trong các thành viên gia đình không có mặt ở địa phương. Điều này dẫn đến việc chia thừa kế bế tắc, kéo dài, không có giải pháp gì. Nếu càng kéo dài thì cũng bất lợi, tài sản không được sử dụng, không giao dịch được, để lâu sẽ hết thời hiệu. Như vậy, các thành viên chỉ còn giải pháp khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.
Theo quy định tại Điều 68, Bộ luật Dân sự 2015, khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Như vậy, theo quy định pháp luật, Tòa án tuyên bố một người mất tích khi người đó biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định pháp luật nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật Dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 2 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Nội dung thông báo và việc công bố thông báo được thực hiện theo quy định pháp luật.
Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 4 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên. Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích; trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Căn cứ theo Điều 613, Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân, người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản mất. Tài sản của người mất tích sẽ do người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật Dân sự 2015 tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định pháp luật.
Theo đó, trường hợp không có người quản lý tài sản thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản
Trường hợp người hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật còn sống nhưng bị tuyên bố mất tích thì phần di sản thừa kế mà người mất tích được hưởng sẽ được giao cho người thân thích hoặc người quản lý tài sản do Toà án chỉ định. Trường hợp người mất tích trở về, phần di sản thừa kế được hưởng đó sẽ được giao lại khi người này trở về.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn