Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo vật liệu xây dựng thiết lập mặt bằng giá mới

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, giá vật liệu xây dựng cơ bản (VLXD) như sắt, thép, xi măng... đồng loạt tăng giá, duy trì ở mức rất cao đã khiến nhiều nhà thầu, chủ xây dựng lo lắng. Bởi khi các hạng mục xây dựng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của cả một dự án.

Giá VLXD đang ở mức cao khiến nhiều nhà thầu xây dựng đau đầu vì chậm tiến độ. (Ảnh minh họa)
Nhiều mặt hàng tăng giá
Thời gian gần đây, khi TP Hà Nội bước vào giai đoạn "bình thường mới", thị trường VLXD có nhiều biến động. Với những VLXD cơ bản như sắt, thép, xi măng, cát, đá... đã có điều chỉnh tăng giá, điều này khiến cho hoạt động xây dựng của người dân và DN gặp nhiều khó khăn.
Bà Phạm Kim Thu đang xây một ngôi nhà tại quận Long Biên cho biết, công trình khởi công từ đầu năm mà hiện nay tiến độ vẫn chưa có tiến triển. Ở giai đoạn còn xây thô, làm móng đã vấp phải đợt tăng giá thép chóng mặt tới 30%, xi măng cũng đã tăng 10%.
"Sau thời gian giãn cách kéo dài, nay công trình bắt đầu vào giai đoạn hoàn thiện thì lại tiếp tục đối mặt với đợt tăng giá mới. Trong khi đó, thời điểm gần đến Tết, nhân công cũng khan hiếm, chi phí dự toán xây dựng đội lên rất nhiều mà vẫn chưa biết bao giờ mới hoàn thành xong công trình" - bà Kim Thu lo lắng.
Tương tự trường hợp của gia đình nhà bà Thu, nhiều người cũng bày tỏ sự ngần ngại khi xây nhà. Không chỉ các công trình tư nhân riêng lẻ, nhiều dự án bất động sản lớn sau thời gian tạm nghỉ cũng đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Tham khảo tại một số đại lý VLXD trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, thị trường VLXD có nhiều biến động. Theo ông Nguyễn Tiến Sang - chủ một đại lý thép trên đường Phạm Hùng (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) cho biết, từ đầu tháng 10, các DN đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán thép. Cụ thể, tại miền Bắc, hiện giá thép cuộn CB240 dao động từ 16.560 - 17.200 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá từ 16.660 - 17.460 đồng/kg.
"Giá thép tăng mạnh vì nhiều lý do. Thứ nhất, dù nguyên liệu thép giảm nhiệt trên thế giới và tại Trung Quốc, nhưng chuỗi cung ứng đặc biệt là về vấn đề vận chuyển vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thứ hai, nhu cầu tại thị trường Việt Nam tăng trở lại khi nhiều địa phương phục hồi lại sản xuất, kinh doanh" - ông Tiến Sang nhìn nhận.
Nếu như sắt, thép phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu thô phục vụ sản xuất dẫn đến tăng giá, những sản phẩm có nguồn cung trong nước tương đối lớn như xi măng, cát... cũng ghi nhận tăng giá mạnh.
Với thị trường xi măng, do nguyên vật liệu đầu vào đều tăng giá nên các DN sản xuất xi măng tiếp tục thông báo điều chỉnh giá bán với mức tăng gần 100.000 đồng/tấn, đơn cử công ty CP Xi măng Bỉm Sơn đã có văn bản gửi khách hàng thông báo điều chỉnh giá bán xi măng bao và rời thêm 80.000 đồng/tấn.
Lý giải về việc điều chỉnh tăng giá bán, đại diện Xi măng Bỉm Sơn cho biết, mặc dù đã tìm nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, nhưng không thể bù đắp được tốc độ tăng giá của nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Vì thế, để ổn định sản xuất, kinh doanh, giữ vững chất lượng sản phẩm, DN buộc phải tăng giá bán.
Trong khi đó, với loại vật liệu xây dựng khác như cát, đá, đất đắp… cũng tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/m3. Đất san lấp (đạt tiêu chuẩn K) tại Thanh Hóa đang có giá 120.000 đồng/m3 (chưa VAT), tăng khoảng 22.000 đồng/m3 so với thời điểm tháng 8 - 9/2021.
Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đau đầu
Điều đáng nói là việc các nhà cung cấp nguyên vật liệu từ sắt thép, xi măng… đồng loạt tăng giá đã khiến nhiều công trình xây dựng, dự án bất động sản đang thi công gặp khó, khi phải tính toán lại khối lượng công trình, lên đơn giá mới... dẫn đến hoạt động cầm chừng, đứng trước nguy cơ tiến độ kéo dài, vi phạm hợp đồng đã ký kết.
Theo ông Nguyễn Huy Quang - chuyên gia xây dựng Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn Tài chính Việt Nam (Facom), việc giá thành VLXD liên tiếp tăng cao vào thời điểm này sẽ khiến nhiều DN xây dựng, chủ đầu tư sẽ gánh chịu lỗ rất lớn nếu tiếp tục các dự án đang xây dựng. Để tránh tình trạng đó xảy ra, khả năng nộp phạt và chấm dứt hợp đồng để bảo toàn vốn là điều rất dễ xảy ra.
“Bài toán VLXD tăng giá khiến chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đau đầu, khi phải làm lại dự toán, tham khảo thị trường và thương lượng điều chỉnh lại hợp đồng. Tuy nhiên, sẽ rất khó để điều chỉnh lại hợp đồng đã ký trước đây do có đơn giá cố định, không điều chỉnh ở thời điểm đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Như vậy, giá xây lắp sẽ đội cao hơn và nhà thầu vẫn phải gánh chịu phần tăng giá. Để tránh tình trạng đó, thông thường nhà đầu tư sẽ chọn cách dừng lại và chịu nộp phạt, nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng tới thị trường, gây khó khăn về nguồn cung” - ông Nguyễn Huy Quang cho hay.
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành VLXD, đặc biệt là sắt thép và xi măng. Bởi đây là nguồn cung chiếm 15 - 20% các công trình xây dựng, gây ảnh hưởng tới các nhà thầu, nhất là các nhà thầu đã trúng thầu trọn gói.