Giảm ô nhiễm môi trường
VLKN ra đời với những đặc tính ưu việt trong thiết kế xây dựng, tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm dôi dư trong khai thác, sản xuất. So sánh hiệu quả kinh tế kỹ thuật sản xuất và sử dụng. Sản phẩm VLKN có nhiều tính chất vượt trội hơn vật liệu nung, làm tăng diện tích sản xuất nông nghiệp, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm nhiên liệu than, dầu, khí, điện.
Ông Nguyễn Huy Quang - chuyên gia xây dựng Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn Tài chính Việt Nam (Facom) cho biết, việc sử dụng gạch nung tràn lan, gây mất đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường. Với những lợi ích mà VLKN mang lại cho môi trường, cho xã hội, việc phát triển, sản xuất và sử dụng loại vật liệu này được xem là hướng đi đúng đắn, hướng đến môi trường xanh.
"Theo tính toán, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than. Đáng lưu ý, nó thải ra khoảng 600.000 tấn khí CO2 và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng gạch đất sét nung còn làm khó quá trình công nghiệp hóa ngành xây dựng. Vì vậy, sử dụng vật liệu bằng VLKN sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường" - ông Nguyễn Huy Quang phân tích.
Với nhiều lợi ích, vật liệu không nung đang được chú trọng phát triển mạnh và là xu thế phát triển tất yếu trong xây dựng. Các chủng loại VLKN đã được đầu tư, phát triển trong thời gian qua bao gồm: gạch bê tông (gạch xi măng-cốt liệu); gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp; gạch bê tông bọt; tấm bê tông rỗng đùn ép (Acotec); tấm tường bê tông khí chưng áp,...
Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển VLKN chưa được như kỳ vọng. Ông Đỗ Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH Betonlab Việt Nam cho biết, hiện nay, VLKN phần nào khẳng định chỗ đứng vững chắc trong các công trình xây dựng Nhà nước, đang dần trở lên phổ biến hơn và được ưu tiên phát triển. Có rất nhiều công trình sử dụng gạch không nung, từ công trình nhỏ lẻ, phụ trợ cho đến các công trình dân dụng, đình chùa, nhà hàng, sân gôn, khu nghỉ dưỡng, cao ốc,...
"Một số công trình điển hình sử dụng loại vật liệu này, trong đó gồm, Keangnam Hà Nội Landmard Tower (đường Phạm Hùng, Hà Nội), Habico Tower (đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội), Khách sạn Horinson (Hà Nội), Hà Nội Hotel Plaza (đường Trần Duy Hưng, Hà Nội), Sông Giá resort (Hải Phòng), sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), Làng Việt Kiều Châu Âu (Hà Đông, Hà Nội),... Có thể thấy, việc phát triển, đưa các sản phẩm VLKN vào các công trình là điều cần thiết" - ông Hải nhận xét.
Còn những khó khăn
Theo ông Nguyễn Huy Quang, việc phát triển lĩnh vực VLKN đã có sự tăng trưởng nhanh về quy mô và công suất, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, chủng loại và mẫu mã sản phẩm đã được đa dạng hóa. Tuy nhiên hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, bởi đa số người dân chưa có thói quen sử dụng gạch không nung trong khi tính cạnh tranh kinh tế của sản phẩm này chưa cao so với gạch đất sét thủ công.
"Việc sản xuất VLKN còn phân tán ở nhiều nơi với các cơ sở sản xuất nhỏ nên các cơ quan quản lý khó kiểm soát được chất lượng, cũng như các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm gạch block nhẹ, gạch bê tông khí chưng áp, bê tông bọt... còn gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về khuyến khích sản xuất gạch không nung, xóa bỏ lò gạch thủ công nhưng trên thực tế, các DN đã chuyển hướng đầu tư ồ ạt dây chuyền tự động sản xuất các loại gạch đất sét nung, khiến thị trường cung vượt cầu; điều này dẫn đến giá thành 1 viên gạch rất rẻ" - ông Quang phân tích.
Đồng quan điểm, ông Phó Tổng Giám đốc Thanh Phúc Group Trần Duy Phúc cho biết, để phát triển VLKN cần tiếp tục thực thi triệt để chủ trương của Chính phủ về giảm dần gạch đất sét nung truyền thống, tiến tới xoá bỏ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí) và lò đứng và đề xuất nên có chính sách riêng cho gạch đất sét thủ công.
"Tôi nghĩ cần có chính sách về thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch nung truyền thống. Tại sao chúng ta không đánh thẳng thuế tài nguyên, thuế môi trường vào viên gạch nung vì sử dụng đất sét, phát thải ra môi trường. Chỉ cần đánh thuế làm sao cho một viên gạch đất nung có giá trên 1.000 đồng/viên, đưa vào hàng hóa tiêu thụ đặc biệt" - ông Phúc cho hay.
Để thật sự khuyến khích lĩnh vực sản xuất VLKN, nhiều chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng VLKN. Đồng thời, tăng thuế môi trường đối với các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Như thế sẽ thúc đẩy ngành VLKN phát triển.
"Ngoài vấn đề bảo vệ môi trường, việc sử dụng VLKN thay thế vật liệu nung là cần thiết, đã tạo ra sự công nghiệp hóa trong xây dựng, đã nâng cao được tay nghề người thợ xây, rút ngắn được thời gian thi công, tiết kiệm chi phí... Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách, chế tài cụ thể, mạnh tay hơn với để "gỡ khó" bài toán cho ngành VLKN" - Chuyên gia xây dựng Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn Tài chính Việt Nam Nguyễn Huy Quang. |