Cơ quan công an cũng chỉ rõ có 3 cấp độ trong thủ đoạn của các app vay tiền online như nhắn tin đe dọa, uy hiếp để người vay trả tiền...
3 cấp độ đe dọa của các app vay tiền online
Ngày 29/5 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 11 bị can là giám đốc, nhân viên của 3 công ty cho vay qua app để củng cố, xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Trong số này có Nguyễn Mạnh Hải (30 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa) - Giám đốc Công ty thu hồi nợ Tiếng Nói Hay; Vũ Ngọc Minh Khánh (28 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa) là Trưởng nhóm; Nguyễn Thị Thùy Vân (28 tuổi, trú tại quận 7, TP Hồ Chí Minh); Trần Thị Mai (27 tuổi, trú tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) là quản lý của khoảng 21 app cho vay. Ngoài ra, nhân viên các công ty như Công ty Golden, Công ty Bamboo… quản lý các app cho vay trên mạng.
Trước đó, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh và Cục C02; các cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Cần Thơ xác minh thu thập tài liệu, xác định hơn 32 app cho vay tiền online.
Công an xác định mỗi app vay sẽ tạo một nhóm trên mạng xã hội để điều hành và chia cấp từ S0 (nhân viên mới) đến S2 là nhân viên đòi nợ có thâm niên từ 8 - 30 ngày. Trường hợp khách hàng không trả, nhóm này cũng nhắn tin, đe dọa sẽ ghép ảnh vợ con của người vay đăng lên trang mạng làm gái, ghép hình thờ đăng lên mạng xã hội, dán vào cột điện…
Theo điều tra, các app cho vay sẽ có ba cấp độ khi đòi nợ. Từ cấp một là nhắn tin đe dọa, uy hiếp tinh thần người vay tiền cho đến cấp độ ba là khủng bố người thân bằng cách cắt ghép hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội…
Trường hợp sau khi đòi nợ không hiệu quả, các app cho vay sẽ bán nợ cho các công ty luật núp bóng, công ty mua bán nợ, công ty tài chính… để tiếp tục đòi nợ bằng các thủ đoạn gọi điện khủng bố, đe dọa người thân, ghép ảnh vu khống đăng lên mạng xã hội nhằm bôi xấu, hạ thấp uy tín danh dự người vay và người thân…
Không nên vay tiền qua app để tránh rủi ro
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hình thức vay tiền qua app hiện nay là khá phổ biến bởi thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, không cần tài sản bảo đảm, người vay chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, Căn cước công dân/ Chứng minh Nhân dân và số tài khoản ngân hàng là có thể hoàn tất một thủ tục vay.
Tuy nhiên hình thức này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, đã xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc có biểu hiện hoạt động tín dụng đen.
Khi người dùng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.
Bên cạnh đó, người cho vay khi vay tiền qua các núp bóng tín dụng đen này ngoài chịu lãi suất cắt cổ, còn có thể bị dụ dỗ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc gây sức ép đòi nợ bằng cách gọi điện, nhắn tin giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật để đe dọa hoặc sử dụng thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người đi vay… để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp người đi vay.
Theo quy định của pháp luật, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, đối với hành vi cho vay với lãi suất cao thì có thể bị xử lý với tội danh Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.
Đối với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền hay cho vay lãi suất cao tất yếu sẽ bị xử lý theo pháp luật. Theo đó, nếu hành vi là vi phạm hành chính thì sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, nếu hành vi trên cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Đối với hành vi gọi điện thoại đe dọa, tung tin sai, bội nhọ người vay tiền có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Tùy theo tính chất mức độ và nếu có đủ căn cứ thì hành vi cố ý đưa tin hoặc cố ý loan truyền những thông tin không đúng sự thật với các nội dung xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của cá nhân có thể còn bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự như tội vu khống được quy định tại Điều 156.
Trường hợp người vay mắc bẫy các đội tượng cho vay qua app có thể làm đơn trình báo cơ quan công an để tố giác tội phạm. Tuy nhiên, đa phần trong các vụ cho vay tiền qua app, thông tin các nạn nhân cung cấp về đối tượng khá hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, truy bắt đối tượng. Hoặc vụ án dù có bị khởi tố, bắt giam thủ phạm thì khả năng thu hồi lại tiền cũng không dễ.