Vay vốn nhiều sẽ nộp thuế nhiều?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạn chế tỷ lệ nợ vay hay giảm số tiền thanh toán bằng tiền mặt khi sửa đổi các luật thuế đang gây ra nhiều tranh cãi.

Sau 3 năm thực thi Nghị định 132 của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) phản ánh Nghị định số 132/2020/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một trong những quy định đang khiến nhiều DN gặp khó đó là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay ở mức 30%; đồng thời, cho chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm tiếp theo và mở rộng đối tượng miễn áp dụng quy định khống chế.

Giới DN cho rằng, quy định trên không phù hợp với một số DN Việt Nam. Nguyên nhân là do hầu hết các DN Việt Nam đều rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Đặc biệt, ở nhiều tập đoàn, công ty con do năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn và phân bổ xuống các công ty con.

Trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, rất nhiều DN đã vượt mức khống chế trần lãi vay 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế theo quy định tại Nghị định 132. Hệ quả là các DN này bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế.

Quy định không chỉ ngăn các DN tiếp cận với nguồn vốn cần thiết để mở rộng sản xuất - kinh doanh, mà còn làm giảm động lực phát triển và năng lực cạnh tranh của DN. Theo đại diện một DN hiện đang sở hữu nhiều công ty con, trong mấy năm gần đây dù DN này dù chưa hoạt động có lãi nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập DN lên tới hàng tỷ đồng. Lý do, DN nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù là xây dựng và bất động sản, đòn bẩy tài chính lớn. Đó là những khoản vay mượn hợp lý và có chứng từ đầy đủ.

Tuy nhiên, do quy định khống chế chi phí lãi vay. Đến nay, với mức trần 30% quy định tại Nghị định 132, DN phải tiếp tục đóng thêm thuế thu nhập DN cho phần đi vay bị vượt trần. Điều này sẽ khiến cho DN không thể phát triển được.

Ngoài ra, quy định thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ có thể gây thiệt thòi cho các DN trong 5 năm tiếp theo lỡ kinh doanh bị hòa vốn hoặc bị thua lỗ. Kể cả trường hợp có lãi nhưng DN chẳng may rơi vào trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo không thấp hơn mức quy định, coi như toàn bộ phần chi phí lãi vay không được trừ và chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo bị mất trắng.

Cũng có một thiểu số DN trong nước có hoạt động liên kết có thể có hoạt động chuyển giá, kê khống giá làm tăng chi phí ảo để trốn lậu thuế, nhất là đối với một số tập đoàn đa quốc gia có hoạt động liên kết có thể đã có hiện tượng hoạt động chuyển giá cần được quan tâm kiểm soát. Tuy nhiên, không thể chỉ vì một số DN sai phạm mà kìm hãm nhu cầu vay vốn chính đáng của tất cả DN còn lại.

Vì vậy, việc sửa Nghị định 132 theo hướng “bỏ trần” 30% tổng chi phí lãi vay đang được xem xét, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của DN. Vào tháng 8, Bộ Tài chính đã phân công các đơn vị trực thuộc triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ, nhưng đến giữa tháng 10 thì Tổng cục Thuế có văn bản xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính với đề xuất sẽ trình sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP vào tháng 8/2024.

Dù vậy, việc sửa đổi Nghị định 132 thời điểm hiện tại là vô cùng bức thiết. Bởi thực tế, nhiều quy định hiện tại về quản lý thuế với giao dịch liên kết đã bộc lộ điểm bất cập, không phù hợp với thực tế. Sửa đổi bổ sung phải làm sao gỡ khó cho DN, để DN có thêm động lực để phát triển, thay vì làm khó, khiến DN sợ lớn lên.