Về chủ trương di chuyển chợ Trời: Sẽ thực hiện cẩn trọng và minh bạch

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngày qua, dư luận và nhất là gần 700 hộ kinh doanh tại chợ Trời (tên thường gọi của chợ Hòa Bình, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) xôn xao trước thông tin chợ đã được UBND TP chấp thuận di dời về chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai).

Thông tin này đã tác động lớn đến tâm lý của bà con tiểu thương cũng như đời sống của người dân xung quanh khu vực này…

Về chủ trương di chuyển chợ Trời: Sẽ thực hiện cẩn trọng và minh bạch - Ảnh 1

Khái niệm “vỉa hè” dường như không còn tồn tại với người dân xung quanh khu vực chợ Trời. Ảnh: Linh Chi

Chính quyền và dân sở tại: Mong chợ di chuyển sớm

Chợ Trời, được coi là chợ tạm "già" nhất và lớn nhất Hà Nội bởi đã hình thành từ những năm 1950. Khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khu vực chợ này đã một lần được tổ chức di dời nhưng sau đó lại được "tái sinh" chủ yếu do dân tiểu thương tứ xứ tụ về. Từ đó đến nay, chợ ngày càng "phình" ra, hiện có khoảng 700 tiểu thương đăng ký kinh doanh và hàng ngàn người "ăn theo" nhờ cho thuê kho bãi, bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, sửa chữa máy móc, linh kiện…

Chợ Hòa Bình là 1 trong 4 chợ tự phát và hoạt động trên vỉa hè, lòng đường thuộc quận Hai Bà Trưng, cùng với chợ Cao Đạt, Nguyễn Cao và chợ rau đêm cuối phố Bạch Mai. Thực hiện quy hoạch cải tạo và phát triển mạng lưới chợ Hà Nội đến năm 2020 đã được UBND TP phê duyệt, thời gian qua UBND quận đã tổ chức giải tỏa và bố trí cho các hộ kinh doanh về các địa điểm khác trên địa bàn đối với 3 chợ tạm này. Riêng chợ Hòa Bình hoạt động trên lòng đường, vỉa hè của các phố Thịnh Yên, Trần Cao Vân, Yên Bái, Chùa Vua cùng một số ngõ lân cận, cũng nằm trong danh mục phải di chuyển theo quy hoạch từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn chưa thể tổ chức di dời do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải kể đến quy mô chợ quá lớn, tồn tại quá lâu và liên quan đến đời sống của quá nhiều tiểu thương, đặc biệt là vẫn chưa tìm được "điểm đến" cho chợ mới.

Chủ một sạp hàng máy phát điện trong chợ cho biết, gần 30 năm nay cuộc sống của gia đình ông và rất nhiều người khác sống nhờ vào việc mua bán tại chợ. Nếu chợ di dời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới "nồi cơm" của nhiều gia đình. Đa số tiểu thương đã bày tỏ nguyện vọng được ở lại nơi cũ, sẵn sàng đóng góp kinh phí cùng TP cải tạo lại lều lán, dựng mới sạp gọn gàng… Mặt khác, nếu tổ chức di dời chợ, chính quyền cần xem xét thấu đáo nguyện vọng của tiểu thương cũng như rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đây trong việc chuyển đổi một số chợ thành trung tâm thương mại...

Trong khi đa số bà con tiểu thương mong được tiếp tục kinh doanh tại địa điểm cũ thì ngược lại, người dân sống xung quanh khu vực chợ, trực tiếp là khu dân cư số 5 và số 6 phường Phố Huế tỏ ra rất bức xúc vì chợ vẫn chưa được di dời. Đại diện một hộ dân khu dân cư số 6 (đề nghị giấu tên) cho biết: Cuộc sống của chúng tôi nhiều năm nay bị ảnh hưởng xấu bởi sự lộn xộn, ô nhiễm môi trường, mất trật tự an ninh, an toàn giao thông cũng như nguy hiểm trong phòng chống cháy nổ… của khu chợ tạm này. Chúng tôi mong từng ngày chợ được di dời ra một địa điểm hợp lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị ngày 15/10, ông Nguyễn Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phố Huế cho biết: Đã rất nhiều lần chính quyền phường kiến nghị TP tổ chức di dời chợ Trời nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến chính thức về việc di chuyển chợ này của cơ quan cấp trên. Quan trọng hơn, hiện việc quản lý trật tự tại đây rất khó cho chính quyền phường bởi chưa nhận được sự phối hợp tích cực từ Ban quản lý (BQL) chợ. Đang có gần 100 hộ tiểu thương tại phố Trần Cao Vân, ngõ Trần Cao Vân đóng bàn, căng bạt cố định bày bán hàng không chỉ trên vỉa hè mà vào buổi tối còn tràn kín hết lòng đường, gây mất trật tự giao thông, ảnh hưởng tới công tác phòng cháy chữa cháy khi có hỏa hoạn. Những thùng hàng lớn được chuyên chở và đặt tại đây đã làm hỏng nhiều đoạn vỉa hè. Đáng nói hơn, đến nay UBND phường vẫn chưa có được chính xác danh sách, số lượng và sơ đồ chỗ ngồi kinh doanh tại đây từ BQL chợ!

Chờ lộ trình thích hợp

Trước thực tế chợ Trời ngày càng tác động xấu tới đời sống của người dân sở tại cũng như công tác quản lý đô thị, trong cuộc họp với lãnh đạo TP mới đây, UBND quận Hai Bà Trưng đã kiến nghị tìm địa điểm đảm bảo đủ hạ tầng, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy để có thể sớm di chuyển chợ Trời.

Ông Cáp Sĩ Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Không phải mới đây quận mới đề xuất di chuyển chợ, mà chủ trương này đã có từ gần chục năm nay, nằm trong kế hoạch quy hoạch sắp xếp phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Tuy nhiên, đây chỉ mới là chủ trương của TP, tại thời điểm này quận vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào về thời gian, địa điểm di dời chợ. Trước mắt, UBND quận đang giao các đơn vị liên quan tìm hiểu thẩm định thông tin chính xác về việc kinh doanh tại chợ, giao BQL chợ gặp gỡ các tiểu thương để bà con bình tĩnh, ổn định kinh doanh, tránh tình trạng xáo trộn. "Việc di chuyển chợ Hòa Bình là tất yếu để xây dựng Thủ đô cũng như quận Hai Bà Trưng ngày càng văn minh hiện đại. Tuy nhiên, phải có lộ trình cụ thể trên nguyên tắc di dời đi đôi với bố trí sắp xếp, đảm bảo điều kiện cho bà con tiếp tục ổn định kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Chúng tôi xác định việc này phải công khai trong dân, phù hợp với thực tế và phải thông báo trước cho các hộ kinh doanh theo đúng luật" - ông Phong khẳng định.

Trong Văn bản số 1203/UBND - KT ngày 12/10/2012 thông báo về việc quản lý chợ Hòa Bình, UBND quận Hai Bà Trưng nêu rõ: Trong thời gian đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch di dời chợ Hòa Bình, UBND quận yêu cầu Chủ tịch UBND phường Phố Huế, trưởng BQL chợ Hòa Bình và thủ trưởng các phòng, ngành chức năng tạo điều kiện để bà con tiếp tục ổn định kinh doanh, làm tốt công tác VSMT, đảm bảo an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy tại khu vực chợ, thực hiện nghiêm nghĩa vụ với Nhà nước. BQL chợ Hòa Bình phải thường xuyên rà soát diện tích kinh doanh, phối hợp với phường Phố Huế kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm ảnh hưởng đến giao thông, trật tự khu vực chợ. Đặc biệt, nghiêm cấm bố trí thêm các hộ vào kinh doanh trong chợ. Phòng Kinh tế, Tài chính kế hoạch có trách nhiệm giám sát, phối hợp với BQL chợ trong công tác quản lý chợ, hướng dẫn xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
 
UBND quận cũng yêu cầu các cấp, ngành liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, kịp thời giải đáp thắc mắc của hộ kinh doanh và nhân dân trên địa bàn để ủng hộ chủ trương đúng đắn của TP và quận, không để xảy ra mâu thuẫn gây bức xúc trong dư luận.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần