Nghề đau lưng “khỏi chê”
Mới sáng sớm, 2 vợ chồng ông Nguyễn Đô (61 tuổi, thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã bận rộn bên bếp lửa. Thanh sắt nung đỏ trong lò được ông Đô dùng chiếc kẹp chuyên dụng đặt lên tấm đe, ngay lập tức, bà Nguyễn Thị Mận- vợ ông Đô đã dùng búa lớn nện thẳng xuống. Ông Đô một tay kẹp chặt thanh kim loại, tay kia cũng dùng chiếc búa nhỏ hơn nện xuống luân phiên.
Tiếng búa chắc nịch, chan chát, giáng xuống đều đặn. Qua vài chục lần búa, thanh sắt lại được đưa vào lửa để tiếp tục nung đỏ, rồi lại tiếp tục dùng búa đập. Công đoạn này được lặp đi lặp lại nhiều lần để thanh sắt trở nên mỏng, sắc.
“Nguyên liệu để rèn thành dao, rựa, cuốc, xẻng nói chung là “mì”, tức là các cây sắt y cỡ 16-18mm. Sắt được cắt ra thành khúc rồi cán dẹp, gọi là “dóc”, trải qua nhiều công đoạn mới ra thành phẩm để sử dụng”, bà Mận lý giải.
Bà Mận không phải là dân bản xứ, nhưng lại “ưng” người làng rèn là ông Đô nên theo chồng về Tịnh Minh sinh sống. Trong gia đình có truyền thống làm nghề rèn, bà Mận cứ thế cũng gắn bó với nghề rèn hơn 30 năm.
“Dù giá không cao, nghề vất vả, ngồi nhiều nên đau lưng “khỏi chê” nhưng cũng nhờ nghề rèn mà vợ chồng tôi nuôi con cái khôn lớn, ăn học đàng hoàng. Gia đình không có ruộng đất nên cứ theo nghề để kiếm ăn đến giờ”, bà Mận tỉ tê.
Tranh thủ lúc nghỉ tay, nhấp ngụm trà, ông Đô nhẩm tính: “Nghề rèn này đã có ở Minh Khánh đến nay cũng đã được hơn 300 năm. Tôi là đời thứ 4 trong gia đình được truyền lại nghề".
Thời điểm hiện tại, gia đình ông Đô là một trong những hộ hiếm hoi còn sử dụng búa để rèn, bởi phần lớn những hộ khác trong làng đã cơ giới hóa, dùng máy móc để tiết kiệm công sức ở phần lớn các công đoạn.
Để cho ra thành phẩm từ thanh sắt, thép thô, người thợ rèn phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi rất nhiều công sức. Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, ông Đô cho biết, trong các khâu, quan trọng nhất là “nước tôi”, nghĩa là cho sản phẩm qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lạnh.
Sau khi nhúng xong, người thợ mang đi mài lần cuối để hoàn chỉnh sản phẩm. Nước tôi già hay non ảnh hưởng đến độ sắc của dụng cụ. Ưu điểm của sản phầm rèn truyền thống chính là dù sau thời gian sử dụng, dụng cụ bị mài mòn thì vẫn có thể đem đến lò rèn sửa chữa lại.
“So với trước những năm 2000, thì nghề rèn không còn được như xưa. Nhu cầu khách hàng ngày càng giảm, thợ rèn chỉ có thể sản xuất cầm chừng. Dẫu vậy, gia đình vẫn cố gắng bám trụ để giữ lại nghề xưa. Có điều chắc đến đời 2 vợ chồng tôi là không còn ai nối nghiệp, 3 đứa con đều theo nghề khác…”, ông Đô trầm giọng, có chút tiếc nuối thoáng qua.
Băn khoăn giữ nghề xưa
Nghề rèn ở Tịnh Minh mấy trăm năm nay đều theo cha truyền con nối, cứ nhà này rèn lưỡi liềm, nhà kia làm búa bửa củi, làm kéo, làm lưỡi cày, dao cạo... Chính vì vậy, mỗi nhà có một bí quyết riêng để sản xuất nông cụ cầm tay, hay thuở trước là rèn đao bền, kiếm sắc, sử dụng nổi tiếng một vùng.
Người làng rèn không sử dụng bảng hiệu mà khắc tên lên sản phẩm mình làm ra. Xưa thì gươm, đao, giáo, sau này là nông cụ cầm tay như dao, rựa, liềm, cuốc, cày, xẻng... Đó là sự khác biệt với những nơi khác.
Thời kỳ hưng thịnh của làng Minh Khánh có đến hơn 150 hộ làm nghề rèn. Tất cả sản phẩm rèn của làng từ dao, búa, lưỡi liềm, lưỡi cày, cuốc, rựa, xẻng… đều nổi tiếng khắp gần xa vì độ bền và chắc. Những sản phẩm của làng không chỉ cung cấp nội tỉnh mà còn tận các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ.
Nhưng rồi, khi vùng núi đồi Quảng Ngãi cây keo nguyên liệu phát triển, phát dọn bằng máy cắt cỏ thì rựa không cần nhiều. Cộng vào đó, những sản phẩm nông cụ thủ công làm ra tuy sắc bén, nhưng giá thành của nghề làm thủ công cao hơn nên năng lực cạnh tranh giảm.
Một thời gian dài, làng rèn Minh Khánh tưởng chừng như đã phải tắt bếp. Nhưng với quyết tâm giữ lấy nghề truyền thống, ở Minh Khánh vẫn còn hơn 50 hộ dân ngày đêm luôn cặm cụi, cần mẫn nối nghiệp cha ông.
Ông Nguyễn Tòng (65 tuổi) cũng đã theo cha học nghề rèn từ lúc 10 tuổi, đến nay, ông Tòng có hơn 50 năm gắn bó với nghề rèn.
Ông Tòng cho biết, mỗi một sản phẩm rèn ở Minh Khánh khi làm ra đều được người thợ rèn dành vào đó rất nhiều tâm huyết. Bởi vậy, chất lượng sản phẩm cao, được khách hàng ưa chuộng.
"Với lớp trẻ ngày trước, được ông cha truyền lại nghề rèn là cả một niềm vinh dự và tự hào. Lớp trẻ ở làng nay không còn chịu theo nghề truyền thống, đứa làm công nhân, đứa đi dạy, vào Nam…. Người già, người lớn tuổi như chúng tôi là còn gắn bó nên nghề rèn Minh Khánh không phát triển được như xưa”, ông Tòng nói.
Ngay trong gia đình ông, việc tìm người kế nghiệp cũng rất chông chênh. “Chỉ còn hy vọng mỗi đứa con rể sẽ nối nghiệp, mấy đứa khác đều đã có công việc ổn định, không còn mặn mà với nghề truyền thống này nữa. Một gia đình gần đây có người kế nghiệp thì lại tha phương mưu sinh, mang nghề rèn lập nghiệp xứ khác”, bà Hồng Thị Cúc- vợ ông Tòng chia sẻ.
Bà Cúc là người làng rèn, cũng mang trong lòng rất nhiều trăn trở với nghề truyền thống của quê hương. “Cha mất sớm, mẹ tôi phụ việc trong lò rèn để kiếm tiền nuôi con. Tuổi thơ đến lúc xế chiều tôi đều nghe tiếng đập búa. Tiếng đập búa nuôi mình, rồi nuôi con mình lớn lên. Bởi vậy, nghĩ đến nghề đi xuống là buồn lắm”, bà Cúc trầm tư.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, làng rèn xã Tịnh Minh được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống.
Mới đây, sản phẩm của làng nghề tiếp tục được công nhận OCOP 3 sao. Đây là cơ hội, là nguồn động lực to lớn để lửa lò rèn Minh Khánh tiếp tục đỏ lửa. Người làng rèn vẫn không nguôi hy vọng, vào một ngày nào đó, làng nghề 300 năm tuổi sẽ lại trở về thời kỳ huy hoàng.