Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vé máy bay tăng nhưng vẫn nằm trong khung giá quy định

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Bộ GTVT trong văn bản trả lời cử tri TP Hồ Chí Minh sau phản ánh vé máy bay trong nước tăng cao, đề nghị Bộ GTVT xem lại các khoản phí, lệ phí để so sánh với giá vé máy bay hiện nay.

Thực hiện đúng

Theo Bộ GTVT, tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 về việc ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, giá vé máy bay được cấu thành bởi giá dịch vụ vận chuyển hành khách; thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ DN cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh (gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý); giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm (do hãng quyết định).

Về cơ cấu chi phí chuyến bay, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam và cơ sở số liệu báo cáo của Vietnam Airlines cùng Vietjet Air - hai hãng hàng không có thị phần vận chuyển nội địa lớn nhất, cơ cấu tỷ trọng chi phí trong tổng chi phí một chuyến bay năm 2023 của các hãng hàng không Việt Nam như sau:

Chi phí nhiên liệu bay chiếm tỷ trọng từ 37 - 42%; chi phí liên quan đến thiết bị bay, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay chiếm tỷ trọng từ 32 - 41%; chi phí phục vụ chuyến bay (phục vụ mặt đất, điều hành bay…) chiếm tỷ trọng 6 - 7%; các chi phí còn lại gồm chi liên quan nhân công trực tiếp, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, phục vụ hành khách… chiếm tỷ trọng từ 16 - 19%.

Trong đó, các chi phí liên quan đến phục vụ chuyến bay (phục vụ mặt đất, điều hành bay…) chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 6 - 7% chi phí một chuyến bay và hầu như không có tác động làm tăng chi phí.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, một số loại giá dịch vụ thuộc danh mục do Bộ GTVT định giá tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT đã được duy trì ổn định trong thời gian dài và chưa có sự điều chỉnh tăng giá.

Với kiến nghị của cử tri về việc từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. “Qua kiểm tra hoạt động bán vé của các hãng hàng không Việt Nam, Bộ GTVT ghi nhận các hãng thực hiện đúng quy định về mức giá tối đa đối với hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa” – văn bản do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ký nêu rõ.

Xu hướng chung

Trước đó, theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay của các hãng bay Việt Nam tăng cũng nằm trong xu hướng chung trên thế giới. Nguyên nhân là bị tác động bởi 5 yếu tố chính, gồm: giá nhiên liệu lên cao, chênh lệch tỷ giá, việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney, giá thuê tàu bay tăng cao và tình hình cung cầu vận tải hàng không.

Hiện nay, các hãng bay trong nước có khoảng 200 chiếc máy bay, giảm khoảng 30 chiếc so với năm ngoái. Tuy nhiên, lượng khai thác thực tế khoảng 165 - 170 chiếc, giảm 40 - 45 chiếc so với bình quân số tàu khai thác năm 2023.

Việc Pratt&Whitney triệu hồi động cơ PW1100 khiến hàng chục tàu A321neo của Vietnam Airlines và Vietjet phải dừng khai thác năm nay và 2025. Đội tàu của Pacific Airlines và Bamboo Airways cũng giảm mạnh do tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Việc thuê tàu bay cũng khó khăn do thiếu hụt máy bay toàn cầu.

Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt là vào thời điểm nhu cầu vận chuyển hàng không tăng cao như các dịp lễ, Tết.

So sánh giá vé máy bay nội địa Việt Nam với khu vực Đông Nam Á, Cục Hàng không Việt Nam cũng kết luận "có sự tương đồng, không cao hơn".

 

"Giá vé máy bay một mình một ngựa đang làm khó người dân và du lịch. Nên chăng việc tăng giá vé máy bay phải có một lộ trình phù hợp hơn với người dân và nhịp nhàng với các ngành nghề khác có liên quan mật thiết như: du lịch, dịch vụ...".

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương

Bộ GTVT cho biết, có tới 80% chi chí của các hãng hàng không có liên quan đến gốc ngoại tệ. Giai đoạn hiện nay (tháng 7/2024), tỷ giá USD/VND đang duy trì ở vùng đỉnh lịch sử (tỷ giá bán 1 USD = 25.470 VNĐ), tăng 7,45% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10,25% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2021.

Để góp phần giảm áp lực về giá vé máy bay, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định lực lượng vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách.

Trọng tâm giải pháp của ngành hàng không là: điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác máy bay, giảm thời gian quay đầu máy bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường thêm các chuyến bay đêm…; các giải pháp được triển khai đã bù đắp một phần lượng tải cung ứng thiếu hụt do sụt giảm đội máy bay.

Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật; đồng thời, khuyến cáo hành khách sớm có kế hoạch đặt mua vé để có nhiều cơ hội lựa chọn với những mức giá vé phù hợp.