70 năm giải phóng Thủ đô

Về những tay keo kiệt...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày con cái còn nhỏ, tôi thường xuyên bị vợ “nhờ” đi chợ mua giúp vợ cái nọ, cái kia… Mà bà vợ tôi có đức tính lạ lắm, cái gì đã nhờ được một lần là nhờ mãi, thế nên đôi lúc tôi trở thành chân sai vặt của vợ…

Từ nhà ra đến chợ cũng chỉ mấy bước chân, nên tôi cũng chẳng nề hà khi “được” vợ nhờ. Giữa cái chợ tạm này có ngôi hàng xén khá to, buôn bán đủ mặt hàng, từ cái kim, sợi chỉ đến bát đĩa ấm chén…

Khác với thông lệ (đa phần đều do phụ nữ đảm trách), người trực tiếp “điều hành” ngôi hàng xén này là một gã tầm tuổi ngoại 50.

Tuy chẳng buôn bán nước mắm, cùng dưa hành, nhưng những vật dụng như cái kim, sợi chỉ đến bó đũa, xấp túi giấy bóng đựng rác đều được ông chủ này vô cùng chi ly, sự mua bán thường diễn ra vô cùng chặt chẽ.

Như đã nói, việc “giúp vợ đi chợ” của tôi đã thành… kỹ năng, nhưng cũng rất tình cờ tôi mới biết được sự chặt chẽ trong làm ăn, buôn bán cuả gã đàn ông chủ ngôi hàng xén này.

Số là hôm đó nhà hết đồ đựng rác, và như thông lệ - tôi được vợ nhờ đi chợ mua túi bóng. Đang ngồi nhâm nhi chén trà, điếu thuốc (và khoác lác với mấy em công nhân trong xóm trọ) lại bị vợ gọi về đi chợ nên tôi “cay” lắm!

Dẫu vậy, tôi vẫn phải nghe lời mà “hầu” vợ mấy cái túi đựng rác cho xong việc. Thứ túi nilon đựng rác (được tái chế từ nhựa phế thải có giá rất bèo), vậy nên thông thường người ta chẳng mấy khi lăn tăn non - già, hơn kém khi bán cho khách.

Vậy mà với tôi, lão hàng xén nọ bóc ra từng cái, khi 1kg túi bóng gã cân bán cho tôi có vẻ “già”. Đợi mãi chẳng thấy chồng đem túi về, con mụ vợ lại “thúc” điện thoại chửi xéo, việc này khiến tôi càng thêm cú…

Những tưởng loại đàn ông “đặc biệt quý hiếm” này đã tuyệt chủng; nào ngờ một thời gian sau, khi yên vị ở ngoại ô, đời tôi lại “vướng” vào một tay bán rau dưa có phần “cao trình” hơn tay hàng xén trước kia. Chuyện bắt nguồn từ việc tôi được vợ sai đi chợ mua gia vị…

Mẻ là thứ gia vị rất thông thường, trước đây ở quê nhà nào chả có một ang. Nhưng gần đây việc nuôi mẻ không còn mấy gia đình duy trì, bởi nếu cần chỉ cần vài ngàn bạc ra đầu ngõ là có mẻ tươi.

Hôm ấy vợ tôi “thảo” món giả cầy. Mà sự đời cũng lạ - đã giả cầy thời phải có anh mẻ mới xong. Đã thành lệ, tôi lại được vợ sai đi mua mẻ. Cầm 5 ngàn bạc ra chợ, tôi chắc mẩm thế nào cũng hoàn thành công việc vợ giao một cách nhanh chóng.

Ấy thế mà loằng ngoằng mãi, tôi vẫn chưa mua xong tí mẻ, nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ là do thằng cha bán hàng cứ gạt ra gạt vào, nâng lên đặt xuống thứ gia vị bình dân kia.

Mà cái giống ươn ướt, nhòe nhoẹt như mẻ, một khi đã rót vào túi bóng thì san ra, trút vào, ôi thôi là nhiêu khê… Cuối cùng sau chừng 10 phút, thằng cha nọ cũng bán được cho tôi 5 ngàn tiền mẻ, sau khi cân đong đo đếm một cách hết sức kỹ lưỡng.

Chỉ khổ cho tôi lại bị vợ mắng, vì cái tội chậm trễ trong việc mua mẻ, dẫn tới món móng lợn của thị tẩm ướp không được kỹ, báo hiệu nồi giả cầy sẽ không được ưng ý.

Rõ khổ! “Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” tưởng chỉ xuất hiện trong văn học dân gian; được các cụ nhà ta thời xưa ngoa dụ cho vui. Không ngờ trong cuộc sống hiện tại, không thiếu những đấng còn chặt chẽ đến từng milimet…

Xin bái phục!