Vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống: Vẫn khó kiểm soát

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chợ truyền thống hiện vẫn là một trong những kênh phân phối thực phẩm tươi sống chiếm ưu thế trong các loại hình phân phối trên địa bàn TP Hà Nội.

Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chỉ được thực hiện tốt ở một số chợ quy mô, còn các chợ nhỏ lẻ, tự phát vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.

Quản lý thị trường kiểm tra VSATTP tại chợ dân sinh trên địa bàn quận Hoàng Mai. Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường kiểm tra VSATTP tại chợ dân sinh trên địa bàn quận Hoàng Mai. Ảnh: Hoài Nam

Tiềm ẩn những nỗi lo

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 455 chợ, trong đó có 15 chợ hạng một, 57 chợ hạng hai, 352 chợ hạng ba, 6 chợ đang hoàn thiện hồ sơ phân hạng và 25 chợ không phân hạng do thuộc diện di dời, giải tỏa, đất quy hoạch…

Nguồn hàng thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn Hà Nội phần lớn được nhập từ các tỉnh, TP trên cả nước hoặc sản phẩm của các trang trại, cơ sở sản xuất - kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến của Hà Nội. Đáng chú ý, một lượng lớn nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối và có tính chất đầu mối được nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Trái cây và thủy sản có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất, hiện được tiêu thụ chủ yếu tại chợ Long Biên và chợ cá Yên Sở.

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn TP Hà Nội” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức sáng 15/11, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế Hà Nội) Lê Thị Hằng cho biết: Dễ nhận thấy là tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau.

Trong đó, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, tại nhiều chợ, cạnh các ki-ốt bán đồ ăn như bún, cháo, chè... là hàng loạt lồng đựng gia cầm sống trên nền đất đọng nước, bốc mùi khó chịu. Nguyên nhân của tình trạng này là do các gian hàng chật hẹp, thiết bị, dụng cụ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Ngoài bức tranh chung về tình trạng mất vệ sinh, vấn đề nguồn gốc hàng hóa tại chợ truyền thống cũng là điều cần quan tâm. Theo quan sát, nhiều sản phẩm được bày bán tại đây đều ở tình trạng không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và không có thời hạn sử dụng. “Kết quả khảo sát tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho thấy có tới 30% các hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh…” - bà Hằng nêu ví dụ.

Quản lý thị trường kiểm tra VSATTP tại chợ dân sinh. Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường kiểm tra VSATTP tại chợ dân sinh. Ảnh: Hoài Nam

Tăng cường quản lý, giám sát

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, những năm qua công tác quản lý, phát triển chợ đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, ngoài một số chợ đã được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, còn nhiều chợ tạm, chưa bảo đảm yêu cầu VSATTP. Sự hiểu biết các quy định về VSATTP của một số đơn vị quản lý chợ và cơ sở kinh doanh thực phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu ATTP đối với sản phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến, phối chế, hỗn hợp.

Để khắc phục những bất cập này, ngay tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về VSATTP tới các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đối với đơn vị quản lý chợ, cần tập huấn, tuyên truyền về cơ chế chính sách phát triển, quản lý chợ; Rà soát lại hệ thống chợ, từ đó đề xuất đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa và có cơ sở xây dựng tiêu chí chợ đầu mối ATTP…

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương kiến nghị, thời gian tới TP Hà Nội và các ngành chức năng cần có bộ tiêu chí cụ thể về chợ văn minh, an toàn, đồng thời, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tiếp tục tổ chức giám sát vấn đề VSATTP tại các chợ, tăng cường tuyên truyền tới cán bộ hội viên phụ nữ về VSATTP.

Để hạn chế tình trạng mất VSATTP tại hệ thống chợ truyền thống, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND thực hiện Ðề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2025".

Theo đó, mục tiêu 100% số đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về ATTP; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng ATTP; 100% số chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% số chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm VSATTP, văn minh thương mại.

Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, bố trí vị trí thuận lợi để lắp đặt nhà trạm phục vụ tổ kiểm tra làm việc, lấy mẫu xét nghiệm nhanh hàng ngày đối với các thực phẩm kinh doanh tại chợ. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ, xử lý nghiêm các vi phạm.

 

Với hệ thống phân phối hiện đại thì việc kiểm soát VSATTP cơ bản bảo đảm, nhưng tại hệ thống chợ truyền thống, mặc dù có kiểm soát nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập như nhận thức của nhiều hộ tiểu thương còn yếu, chưa chấp hành VSATTP; Truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được làm thường xuyên; Các điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh chưa bảo đảm theo quy định.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan