Vẽ tranh lên bốt điện: Để nghệ thuật không thành ”rác” mỹ thuật

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, việc vẽ tranh lên bốt điện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người tò mò, thích thú nhưng cũng có không ít ý kiến tỏ ra lo lắng về việc đảm bảo an toàn ở các bốt điện này.

 Họa sĩ vẽ tranh trên bốt điện tại đường Tràng Thi chừa lại vị trí biển cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: Ngọc Tú
Bốt điện “nở hoa”

Từ cuối năm 2017, dự án “khoác áo hoa cho bốt điện” đã được thực hiện thí điểm giai đoạn 1 trên hai ngã tư phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. Để chào đón năm mới 2019 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, giai đoạn 2 của dự án được tiến hành. 70 bốt điện ở tuyến phố Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền được "khoác áo hoa". Theo Hanoi Art Space – đơn vị triển khai dự án, các bức tranh được vẽ theo chủ đề 12 mùa hoa Hà Nội nhằm góp phần làm đẹp TP. Thời gian qua, việc vẽ tranh lên bốt điện khiến nhiều người tò mò, thích thú. Chị Vũ Trần Huyền My (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Những tủ điện được vẽ rất đẹp, giúp cho không gian đường phố trở nên tươi vui hơn. Đặc biệt, phần nào hạn chế được hành vi sơn bẩn hoặc dán tờ rơi”.

Họa sĩ Đỗ Mạnh – thành viên dự án cho biết: “Trước khi đặt bút, các họa sĩ phải đến khảo sát vị trí để lựa chọn nội dung, màu sắc phù hợp với không gian xung quanh. Họa sĩ cũng phải làm sạch bề mặt tủ điện để đảm bảo độ bám, bền màu. Sau khi vẽ xong, tủ điện sẽ được phủ một lớp sơn chống bụi bẩn và ảnh hưởng của thời tiết. Theo tính toán của các họa sĩ, trung bình màu của tủ điện sẽ giữ được khoảng 2 năm”. Nhìn nhận góc độ mỹ thuật và kỹ thuật của dự án, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, cách tiếp cận của nhóm bạn trẻ này là phù hợp. "Tôi có để ý dự án này từ đầu thì thấy các họa sĩ chọn sơn Acrylic có độ bền màu cao là đúng về chất liệu. Thứ hai, sau khi vẽ xong có phủ một lớp sơn bóng để giữ màu bền vững cũng là chuẩn về phương pháp. Cuối cùng, vì là một dự án mang tính chất cộng đồng nên họ không làm đồng loạt ngay mà thí điểm một số bốt điện, hộp cáp viễn thông ở ngã tư Phan Chu Trinh và Lý Thường Kiệt trước và khi nhận được sự đồng tình mới triển khai thêm trên các phố khác" - họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh.

Để Hà Nội đẹp hơn

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, dự án nào đến không gian công cộng thì phải có chuyên môn, cụ thể là phải có giám tuyển. Còn nếu không giám tuyển và cấp phép thì đó chỉ là ‘‘rác’’ mỹ thuật. Dự án vẽ tranh lên các bốt điện đã có giám tuyển là một công ty, đã thí điểm và được sự đồng ý của cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm nên ông ủng hộ những tác phẩm các bạn trẻ đang thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng có khá nhiều lo lắng về việc đảm bảo an toàn tại các bốt điện này vì màu sắc sặc sỡ sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Về vấn đề này, ông Cao Quang Thắng – Giám đốc Công ty Kanfa, đơn vị tổ chức dự án cho biết: “Tổng Công ty Điện lực Hà Nội – đơn vị chủ quản quản lý các bốt điện xác nhận tất cả các bốt đều an toàn và có hệ thống tiếp điện rất tốt”. Thực tế, tất cả các biển cảnh báo nguy hiểm trên các tủ điện vẫn được các họa sĩ chừa ra để người dân và các du khách chú ý.

Không ai chào đón những bốt điện lấn chiếm diện tích trên vỉa hè, tuy nhiên trong thời điểm chưa thể làm khác, thì việc trang trí cho những tủ điện “nở hoa” sẽ phần nào giúp làm đẹp cảnh quan đường phố và bớt đi sự ác cảm của người dân. Chủ nhiệm CLB Art Space Hà Nội Lê Lan Nhi chia sẻ: “Dự án này không dừng ở tủ điện có thể vẽ nhiều thứ như thùng rác, nhà vệ sinh… Tất cả đều là một bộ phận của cảnh quan để Hà Nội xanh và sạch đẹp hơn”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần