Ngày 5/2 (tức mùng 9 tháng Giêng Âm lịch), đông đảo người dân và du khách thập phương đổ về đình làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) xem hội. Lễ hội Triều Khúc được tổ chức trong ba ngày, từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch.
Điệu múa “con đĩ đánh bồng” tương truyền có từ thời Bố Cái đại vương Phùng Hưng đánh thắng giặc Đường tại thành Tống Bình (Hà Nội bây giờ). Bố Cái đại vương Phùng Hưng đã chọn làng Triều Khúc làm nơi khao quân, cho những chàng trai đóng giả gái để múa khích lệ quân lính. Từ đó, điệu múa "Con đĩ đánh bồng", hay còn gọi là múa bồng trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc trong tất cả những ngày hội làng Triều Khúc còn lại đến ngày nay.
Điệu múa bồng có ở nhiều nơi nhưng đến nay, chỉ duy nhất ở Triều Khúc, điệu múa này giữ được nguyên hồn cốt và thần thái.Để có những điệu múa đẹp, các chàng trai làng Triều Khúc phải tô son, trang điểm, mặc áo mớ ba mớ bảy nhảy múa nhịp nhàng, dáng đi yểu điệu trong tiếng hò reo khích lệ và những tràng cười sảng khoái của đông đảo dân làng.Những chàng trai nhập vai phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, đó là con trai gốc của làng Triều Khúc, mặt mũi khôi ngô, học hành giỏi giang, biểu diễn uyển chuyển, nhất là đôi mắt khi diễn phải nhìn đong đưa, trìu mến với bạn diễn cùng.Những hình ảnh vui tươi của lễ hội làng Triều Khúc với màn múa "Con đĩ đánh bồng" do PV Kinhtedothi Online ghi lại: